Chờ...

Sốt xuất huyết tăng cao bất thường tại TPHCM: Phòng bệnh sốt xuất huyết ra sao?

(VOH) - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, từ đầu năm 2019 đến những ngày gần đây, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, số ca khám bệnh, điều trị sốt xuất huyết tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mỗi ngày khoa nhiễm D điều trị khoảng 50-60 trường hợp.

Chỉ tính riêng tháng 1/2019, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.600 trường hợp mắc SXH điều trị nội trú, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có khoảng 600 trường hợp. Đáng chú ý, đã có 2 trường hợp tử vong và nhiều trường hợp nặng phải thở máy, lọc máu.

Theo chu kỳ, bệnh SXH bắt đầu vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm, đỉnh điểm mùa dịch rơi vào tháng 10 và tháng 11, sau Tết Nguyên đán bệnh sẽ có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tình hình SXH vẫn chưa "hạ nhiệt".

Sốt xuất huyết, dịch sốt xuất huyết

Số ca sốt xuất huyết tăng cao bất thường tại TPHCM

Ở khu vực miền Bắc, số mắc trong tháng 12 của năm trước và tháng 1 và 2 năm kế tiếp có giảm do thời tiết lạnh, hoạt động của muỗi có lắng xuống, giảm lây truyền bệnh.

Khu vực phía Nam nóng quanh năm, bệnh cũng ghi nhận quanh năm chứ không chỉ ghi nhận vào mùa mưa, từ tháng 5-6 trở đi như trước đây.

Phòng bệnh sốt xuất huyết sao cho hiệu quả

SXH là bệnh chưa có văcxin phòng bệnh, nên quan trọng nhất vẫn là diệt nguồn lây truyền bệnh như diệt lăng quăng, diệt muỗi gây bệnh.

Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh muỗi đốt, không cho muỗi phát triển.

Tăng cường diệt muỗi, diệt loăng quăng, đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn.

Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến...

Khi nghi ngờ và phát hiện bệnh cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị.

  • Triệu chứng nhẹ: người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban.
  • Triệu chứng nặng: người bệnh xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng...

Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong.

Cách đề phòng bệnh sởi khi dịch sởi lan rộng ra 43 tỉnh thành - Dịch sởi đang hoành hành tại 43 tỉnh thành trên cả nước. Do đó các bậc cha mẹ cần chủ động đề phòng bệnh sởi cho trẻ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng sởi.

Sau mùa Tết, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm tụy - Bác sĩ Nguyễn Văn Định - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – vừa đưa thông tin khuyến cáo về tác hại của bia rượu lâu dài sẽ dẫn đến viêm tụy mạn tính.