Lễ tưởng niệm các nạn nhân nhỏ tuổi thiệt mạng trong vụ chìm phà Sewol diễn ra tại nhiều địa điểm trên khắp Hàn Quốc, trong đó có thành phố Ansan - quê nhà của 250 học sinh thiệt mạng; cảng Mokpo ở phía nam - nơi lưu giữ xác phà Sewol sau khi trục vớt và tại nghĩa trang nghĩa trang Incheon Family Park ở thành phố Incheon.
Cảnh sát biển Hàn Quốc cũng điều tàu đưa một số gia đình nạn nhân tới hiện trường vụ chìm phà để làm lễ tưởng niệm. Thân nhân liên tục gọi tên những người đã khuất và thả hoa xuống biển.
"Mỗi một ngày trong 10 năm qua đều là khoảng thời gian đau đớn và không thể chịu nổi", ông Kim Jong-gi, phụ huynh của em Soo-jin xấu số mất trong thảm kịch, phát biểu tại lễ tưởng niệm ở Ansan.
Ông Jeon Tae-ho, đại diện cho những gia đình mất đi người thân trong vụ chìm phà, phát biểu tại lễ tưởng niệm ở nghĩa trang Incheon Family Park: "Ngày 16/4 lại đến. Đối với những tang quyến chúng ta, đây là lúc nỗi nhớ người thân ùa về và con tim bắt đầu nhói đau."
Ông Jeon cho biết đã một thập kỷ trôi qua từ sau vụ chìm phà, nhiều gia đình nạn nhân vẫn đau đớn vì thảm kịch và chưa nhận được những biện pháp hỗ trợ thiết thực từ chính quyền.
Cách đây 10 năm vào ngày 16/4/2014, phà Sewol chở theo 476 hành khách và thủy thủ đoàn đã gặp sự cố và bị chìm ngoài khơi đảo Jindo. Đây được xem là thảm kịch hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Vụ việc khiến 304 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh trường trung học Danwon ở Ansan đang tham gia một chuyến đi của trường.
Cảnh tượng phương tiện nặng 6.800 tấn chìm dần được trực tiếp trên truyền hình khiến cả nước Hàn Quốc bàng hoàng và truyền thông thế giới chấn động. Sự hoài nghi của người thân nạn nhân dần chuyển sang phẫn nộ khi có thông tin thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đã rời chiếc phà, còn các em học sinh thì được bảo ở lại trong khoang và chờ giải cứu.
Lực lượng cứu hộ đến chậm và công tác giải cứu không hiệu quả. Sau vụ việc, một số sĩ quan cảnh sát biển Hàn Quốc bị đưa ra xét xử vì cáo buộc sơ suất dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng sau đó lại trắng án. Thuyền trưởng điều hành phà bị kết án chung thân và các thành viên thủy thủ đoàn khác cũng đang chấp hành án phạt tù. Ngoài ra không còn cá nhân hay bên liên quan nào bị truy tố và điều này là nỗi trăn trở của gia đình các nạn nhân suốt một thập kỷ qua.
Các cuộc điều tra cho thấy chiếc phà đã chở quá tải và cấu trúc chiếc phà đã bị thay đổi trái phép. Khi phà vào khúc cua, tốc độ và tải trọng của phà đã khiến nó bị lật.
Nhiều năm qua đã trôi qua, nhưng nhiều phụ huynh có con em thiệt mạng vẫn đang đi tìm công lý. Đã có một số cuộc điều tra và thẩm vấn các bên liên quan đến thảm kịch, nhưng gia đình các nạn nhân cho biết kết quả vẫn không đi tới đâu, theo Reuters.
Ông Park Seung-ryul, trưởng các nhóm dân sự hỗ trợ gia đình các nạn nhân cho biết: “Yêu cầu của chúng tôi rất đơn giản. Đó là nhận trách nhiệm, xin lỗi và cam kết những thảm kịch tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa."