Trước đó không lâu, Tổng thống Joe Biden đã thông báo trên Twitter rằng một chiếc máy bay "chất đầy hơn 31 tấn sữa công thức sắp hạ cánh tại bang Indiana".
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, Brian Deese cho biết trên kênh CNN rằng, một chuyến bay chứa đầy sữa bột cho trẻ em, khởi hành từ căn cứ Không quân Ramstein ở Đức hạ cánh ở bang Indiana vào sáng ngày 22/5.
Vào buổi tối cùng ngày, Tổng thống Biden đăng dòng tweet trên trang cho biết thêm chuyến hàng thứ 2 cũng đang trên đường đến Mỹ. "Một chuyến bay thứ 2 vận chuyển sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh sẽ đến Pennsylvania".
“Các chuyến bay và các chuyến hàng vận chuyển bằng đường bộ sẽ diễn ra trong vài ngày tới, và tôi sẽ tiếp tục cập nhật”, ông nói thêm.
Brian Deese cũng cho biết trên CNN, chuyến hàng đầu tiên này sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu cấp thiết của Mỹ.
Trong vài tháng gần đây, các vấn đề về nguồn cung và lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến Mỹ lâm vào tình trạng thiếu sữa cho trẻ em. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi nhà máy sản xuất sữa Abbott ở bang Michigan đã thu hồi sản phẩm và đóng cửa vào tháng 2, vì bị nghi ngờ gây ra cái chết của 2 trẻ sơ sinh.
Giám đốc điều hành Abbott, Robert Ford đã lên tiếng xin lỗi trong các mục báo của Washington Post hôm 21/5 vì sự thiếu hụt đã làm ảnh hưởng đến hàng nghìn gia đình ở Mỹ, khiến việc tìm kiếm sữa cho trẻ em trở thành một trở ngại thực sự.
Ngoài tình trạng thiếu hụt sữa, cố vấn kinh tế chính của Joe Biden cũng đặt ra vấn đề, "làm thế nào mà thị trường sữa tại Mỹ lại do ba công ty kiểm soát đến 90%?"
Ông nhấn mạnh rằng, cần phải suy nghĩ về việc làm thế nào để "mang lại nhiều cạnh tranh hơn cho nền kinh tế Mỹ", để "có nhiều nhà cung cấp sữa cho trẻ em hơn và không để một công ty nào có quyền kiểm soát dây chuyền sản xuất như vậy."
Ngoài ra, khi được hỏi về khả năng nước Mỹ sẽ suy thoái trong những tháng tới, Brian Deese nhấn mạnh rằng "luôn luôn có rủi ro", nhưng hãy yên tâm về sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ.
Ông cũng thừa nhận "không có gì nghi ngờ khi những khó khăn đang là rất lớn", cụ thể là lạm phát, dù đã chậm lại một chút trong tháng 4 xuống còn 8,3%, sau khi đạt mức 8,5% vào tháng 3, một mức kỷ lục trong 40 năm.