Ấn Độ gia hạn miễn phí truyền tải điện cho các dự án lưu trữ năng lượng đến tháng 06/2028

ẤN ĐỘ - Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn chính sách miễn 100% phí truyền tải điện liên bang cho các dự án lưu trữ năng lượng đến tháng 06/2028, nhằm thúc đẩy mục tiêu năng lượng sạch quốc gia.

Theo quy định hiện hành, các đơn vị mua điện, thường là các công ty phân phối điện lực, phải trả tiền điện cho các nhà sản xuất, trong đó bao gồm cả chi phí truyền tải điện.

Chính phủ Ấn Độ đã thông báo miễn hoàn toàn phí sử dụng hệ thống truyền tải điện liên bang (ISTS) cho các dự án thủy điện tích năng – công nghệ sử dụng điện dư thừa để bơm nước từ hồ chứa thấp lên hồ chứa cao hơn – được phê duyệt trước ngày 30/06/2028.

quat gio

Một tháp truyền tải điện và các tua-bin gió được chụp tại nhà máy năng lượng tái tạo Adani Green ở Khavda, bang Gujarat, Ấn Độ. - Ảnh: Getty Images.

Chính sách này cũng được áp dụng cho các hệ thống lưu trữ điện bằng pin đặt cùng vị trí với các dự án năng lượng tái tạo và được đưa vào vận hành trước thời hạn trên.

Ủy ban Điều tiết điện lực Trung ương Ấn Độ (CERC) ước tính rằng, trong năm 2024, khoản miễn trừ ISTS tương đương khoảng 7% tổng chi phí truyền tải điện hàng tháng đối với các đơn vị mua điện, chủ yếu là các công ty phân phối điện của bang.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ hướng tới mục tiêu lắp đặt 500 gigawatt công suất năng lượng sạch vào năm 2030, gần gấp 3 lần mức hiện tại.

Tuy nhiên, theo hãng xếp hạng tín nhiệm India Ratings and Research, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió có tính chu kỳ và không ổn định, do đó việc tăng cường công suất lưu trữ là cần thiết để đảm bảo cung cấp điện trong các thời điểm sản xuất bị gián đoạn.

Trong tháng 5 vừa qua, sản lượng năng lượng tái tạo của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 24,7 tỷ kWh, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng năng lượng sạch trong cơ cấu điện quốc gia đạt mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 15,4% – mức cao nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 2018.

Mặc dù chính phủ đã gia hạn ưu đãi cho các dự án lưu trữ năng lượng, nhưng vẫn chưa đưa ra chính sách tương tự đối với các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió được đưa vào vận hành sau ngày 30/06/2025 – thời điểm chính sách ưu đãi hiện tại hết hiệu lực.

Vào ngày 10/06, Bộ Điện lực Ấn Độ đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 631,3 triệu USD dành cho các hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin với tổng công suất 30 gigawatt-giờ.

Bình luận