Ấn Độ: New Delhi tiếp tục là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới

(VOH) - Năm 2020, thủ đô New Delhi của Ấn Độ tiếp tục trở thành thủ đô ô nhiễm nhất thế giới vào năm thứ 3 liên tiếp. Ấn Độ cũng tiếp tục lọt danh sách 3 quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm.

Kết quả nói trên do Tập đoàn IQAir (Thụy Sĩ) chuyên về đo lường chất lượng không khí qua nồng độ bụi mịn PM2.5 công bố.

Theo báo cáo của IQAir về chất lượng không khí toàn cầu năm 2020 thu thập dữ liệu từ 106 quốc gia, trong danh sách 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có đến 35 thành phố ở Ấn Độ.

Kết quả của báo cáo năm nay dựa trên nồng độ trung bình trong năm của bụi mịn PM2.5. Đây là những hạt bụi li ti có trong không khí với đường kính chỉ từ 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần). Bụi mịn PM2.5 được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.

Khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở ngoài trời tăng lên thì sẽ làm cho không khí bị mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư...

Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt...khi tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim ở người bệnh. 

Năm 2020, chỉ số trung bình của nồng độ bụi mịn PM2.5/m3 trong không khí ở New Delhi ở mức 84,1. Con số này gấp đôi nếu so với Bắc Kinh là 37,5. Thủ đô của Trung Quốc từng đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới cách đây vài năm, và năm nay Bắc Kinh xếp thứ 14 trong danh sách này.  

Ấn Độ: New Delhi tiếp tục là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới
Bầu trời dày đặc bụi mịn đến nỗi tuy là ban ngày nhưng ánh nắng Mặt trời dường như không thể xuyên qua được là hình ảnh quen thuộc tại New Delhi, Ấn Độ vì ô nhiễm không khí. Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu gần đây của công ty phân tích dữ liệu Greenpeace Đông Nam Á và IQAir, tình trạng ô nhiễm không khí ước tính đã gây ra khoảng 54.000 ca tử vong sớm ở New Delhi trong năm 2020.

Cũng trong năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều biện pháp phong tỏa nhằm phòng chống lây lan đại dịch như ngừng hoạt động hàng loạt nhà máy, công xưởng và người dân thì phải ở nhà nên không sử dụng các phương tiện giao thông, nên vô tình đã khiến nồng độ bụi mịn PM2.5 của nước này kéo giảm xuống 11%. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn là quốc gia ô nhiễm thứ ba trên thế giới, sau Bangladesh và Pakistan.

Ấn Độ: New Delhi tiếp tục là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới
Hình ảnh trái ngược của bầu trời tại cùng một địa điểm ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh trên được chụp vào tháng 11/2018, bầu trời đặc quánh sương mù vì ô nhiễm. Ảnh dưới được chụp vào ngày 8/4/2020 cho thấy bầu trời trong vắt, nồng độ bụi mịn xuống mức thấp kỷ lục vì các hoạt động gây ô nhiễm tạm ngưng do lệnh phong tỏa. Nguồn: Reuters

Sau vài tháng hè của năm 2020 được ‘tận hưởng’ không khí trong lành nhất từ trước đến nay ở Ấn Độ; thì khi sang đến mùa đông, 20 triệu dân ở Delhi đã trở lại cảnh phải sống chung với bầu không khí cực kỳ ô nhiễm, khi các lệnh phong tỏa dần được nới lỏng và bang lân cận Punjab thường xuyên diễn ra tình trạng đốt rừng làm rẫy.

Việc đốt rừng làm nương rẫy ngày càng mở rộng, kéo theo chỉ số bụi mịn PM2.5 ở Delhi cũng ngày càng gia tăng, với 144mcg/m3 vào tháng 11 và tăng tiếp lên 157 mcg/m3 vào tháng 12/2020. Các chỉ số này đều vượt ngưỡng cho phép theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến 14 lần.

“Tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ vẫn ở mức cao và nguy hiểm”, trích báo cáo của IQAir. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra rằng khu vực Nam Á là nơi có chất lượng không khí tệ nhất trên thế giới trong năm 2020.