Ấn Độ nỗ lực giải cứu 40 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm

VOH - Tính đến sáng 17/11 (giờ địa phương), các lực lượng cứu hộ Ấn Độ vẫn tiếp tục nỗ lực giải cứu 40 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm 5 ngày trước đó.

Chính quyền Ấn Độ đang gấp rút tìm cách tiếp cận giải cứu 40 công nhân bị mắc kẹt suốt 5 ngày qua trong một đường hầm tại bang Uttarakhand, ở độ sâu khoảng 60m bên trong dãy núi Himalaya. Nước này đang xem xét nhiều phương án, kể cả kêu gọi sự trợ giúp từ các đội giải cứu quốc tế có kinh nghiệm.

Tính đến sáng 17/11 (giờ địa phương), lực lượng cứu hộ Ấn Độ đã sử dụng máy khoan hạng nặng, khoan được khoảng 1/3 đoạn đường trong tổng độ sâu 60m tại vị trí các công nhân bị mắc kẹt. 

Ba chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Không quân Ấn Độ đã chở các bộ phận của cỗ máy khoan từ Căn cứ không quân Hindon ở New Delhi, đã hạ cánh xuống đường băng Chinyalisaur và ngay sau đó được chuyển đến hiện trường bằng xe tải.

Giới chức Ấn Độ cũng cho biết họ “đang nhận được sự trợ giúp đến từ các đội giải cứu đặc biệt ở Na Uy và Thái Lan”.

Ấn Độ nỗ lực giải cứu 40 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm
Đội cứu hộ tìm cách giải cứu nạn nhân bị kẹt bên trong đường hầm tại Uttarakhand ngày 14/11/2023 - Ảnh: REUTERS
Ấn Độ nỗ lực giải cứu 40 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm
Đông đảo người dân tập trung tại lối vào đường hầm - Ảnh: AP

Các công nhân bị mắc kẹt đều là dân lao động nhập cư từ bang khác, đang xây dựng con đường đường hầm dài 4,5 km nối Silkyara với Dandalgaon, một phần của dự án nâng cấp mạng lưới giao thông của Ấn Độ.

Hiện đã bước sang ngày thứ 5 kể từ khi sự cố sập hầm xảy ra, việc tiếp tục cung cấp thực phẩm và ô xy bổ sung và liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt vẫn được duy trì. CNN dẫn lời các bác sĩ có mặt tại hiện trường cho biết một số công nhân đã xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại như đau đầu và buồn nôn.

“Họ liên tục yêu cầu chúng tôi đưa họ ra ngoài nhanh chóng, vì vậy tôi đã dành thời gian tư vấn và động viên họ”, bác sĩ B.S. Pokriyal nói. 

Bình luận