Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-3, dự kiến đáp xuống mặt trăng vào 23/8

VOH - Ấn Độ đang nỗ lực để trở thành quốc gia thứ tư duy nhất thực hiện cuộc đổ bộ có kiểm soát lên mặt trăng với việc phóng thành công sứ mệnh Chandrayaan-3 hôm 14/7.

Chandrayaan, có nghĩa là “phương tiện mặt trăng” trong tiếng Phạn, được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota ở miền nam bang Andhra Pradesh vào lúc 2:30 chiều giờ địa phương (5 giờ sáng theo giờ ET).

Đám đông tụ tập tại trung tâm vũ trụ để xem vụ phóng làm nên lịch sử và hơn 1 triệu người đã theo dõi trên YouTube.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã xác nhận trên Twitter vào cuối ngày thứ Sáu rằng, Chandrayaan-3 đang ở trong “quỹ đạo chính xác” và đã “bắt đầu hành trình tới mặt trăng”.

Chandrayaan-3
Chandrayaan-3 được ra mắt tại Sriharikota, Ấn Độ vào ngày 13/7 - Ảnh: Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viết trên Twitter: “Chandrayaan-3 viết lên một chương mới trong cuộc phiêu lưu không gian của Ấn Độ. Nó vút cao, nâng tầm ước mơ và hoài bão của mỗi người dân Ấn Độ. Thành tựu quan trọng này là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học của chúng tôi. Tôi hoan nghênh tinh thần và sự khéo léo của họ!”

Con tàu được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) dự kiến ​​​​sẽ hạ cánh xuống mặt trăng vào ngày 23/8.

Ấn Độ đã chi khoảng 75 triệu USD cho sứ mệnh Chandrayaan-3. Chandrayaan-3 bao gồm một tàu đổ bộ, mô-đun động cơ đẩy và xe tự hành. Mục đích của nó là hạ cánh an toàn trên bề mặt mặt trăng, thu thập dữ liệu và tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học để tìm hiểu thêm về thành phần của mặt trăng. 

Đây là nỗ lực hạ cánh mềm lần thứ hai của Ấn Độ, sau nỗ lực trước đó với Chandrayaan-2 vào năm 2019 đã thất bại. Tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của nước này là Chandrayaan-1, quay quanh mặt trăng và sau đó cố hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng vào năm 2008.

Cho tới nay, chỉ có ba quốc gia khác đã đạt được kỳ tích phức tạp trong việc hạ cánh mềm một tàu vũ trụ trên bề mặt mặt trăng là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Bình luận