Chờ...

Ấn Độ xác nhận trường hợp đầu tiên mắc chủng mpox nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao

VOH - Ấn Độ đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc chủng virus mpox gây chết người, khiến các quan chức y tế trên toàn thế giới lo ngại về tốc độ lây lan nhanh chóng của căn bệnh này.

Chủng virus mpox (trước đây gọi là đậu mùa khỉ) nhóm Ib đã được cơ quan y tế tại bang Kerala ở miền nam Ấn Độ xác nhận sau khi phát hiện ca bệnh vào tuần trước ở một người đàn ông 38 tuổi vừa đi du lịch đến Dubai.

Đợt bùng phát chủng virus này, trước đó chỉ giới hạn ở Cộng hòa Dân chủ Congo, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào tháng trước sau khi lan sang 4 quốc gia châu Phi.

Từ đó, chủng virus này đã được phát hiện ở một số quốc gia bên ngoài Châu Phi, bao gồm Thụy Điển và Thái Lan.

dau-mua-khi-250924
Một y tá đứng cạnh khu cách ly mpox mới được xây dựng tại một bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ, vào ngày 10/9 - Ảnh:Getty Images

Theo Tiến sĩ Shubhin C, một viên chức y tế tại quận Mallapuram của Kerala, bệnh nhân bị nhiễm bệnh đang được xét nghiệm 4 ngày một lần khi anh điều trị tại một bệnh viện địa phương.

"Bệnh nhân đã khỏe hơn. Các tổn thương đã bắt đầu lành. Không có tổn thương mới. Hiện tại, anh ấy không bị sốt và không có triệu chứng nào khác", bác sĩ nói, đồng thời cho biết thêm rằng, bệnh nhân sẽ được xuất viện sau khi 2 mẫu xét nghiệm liên tiếp có kết quả âm tính.

Tiến sĩ Shubhin C cho biết, chính quyền đã xác định được 29 người đã tiếp xúc với bệnh nhân và hiện họ đang tự cách ly. Khoảng 37 hành khách trên chuyến bay từ Dubai đến Kerala và 5 người tiếp xúc gần khác với bệnh nhân đang được theo dõi.

Mpox là một bệnh do virus có thể lây lan dễ dàng giữa người và động vật bị nhiễm bệnh. Theo WHO, bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc gần như chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục, cũng như qua các vật liệu bị nhiễm bẩn như khăn trải giường, quần áo và kim tiêm.

Các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban, tổn thương, đau đầu, đau cơ và lưng, năng lượng thấp và hạch bạch huyết sưng to.

Virus này được đặc trưng bởi hai nhánh di truyền, I và II. Một nhánh là một nhóm virus rộng lớn đã tiến hóa trong nhiều thập kỷ.

Nhóm II là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu khiến WHO cũng phải tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. Nhóm Ib gây ra bệnh nghiêm trọng hơn.