Anh siết chặt visa đối với sinh viên Trung Quốc theo học các môn nhạy cảm

(VOH) - Tờ The Times ngày 31/1 cho biết, chính phủ Anh sẽ tăng cường hạn chế đối với các sinh viên Trung Quốc theo học các ngành thuộc lĩnh vực nhạy cảm tại các trường đại học ở Anh.

Truyền thông nước Anh đưa tin, chính phủ Anh chuẩn bị công bố chính sách mới vào giữa tháng 2 nhằm siết chặt việc cấp visa đối với sinh viên hoặc các nhà nghiên cứu Trung Quốc "có thể tham gia hoạt động gián điệp", thậm chí nước này có thể hủy visa đã được cấp cho những sinh viên đã đăng ký học nếu bị coi là “có rủi ro”. Chính sách mới này sẽ chặn hàng ngàn học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc vào Vương quốc Anh.

Tờ The Times ngày 31/1 cho biết, chính phủ Anh sẽ tăng cường hạn chế đối với các sinh viên Trung Quốc theo học các ngành thuộc lĩnh vực nhạy cảm tại các trường đại học ở Anh nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia của đất nước.

sinh viên Trung Quốc, ngày 1 tháng 2 năm 2021
Anh siết chặt việc cấp visa cho sinh viên Trung Quốc theo học các ngành nhạy cảm để đề phòng gián điệp và đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Getty Images)

Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh (FCDO) đã thông báo đến các trường đại học rằng họ sẽ tiến hành thẩm tra lý lịch đối với những người nước ngoài đang học tập hoặc làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia. Các chuyên gia Trung Quốc làm công tác nghiên cứu tại các công ty Anh cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Những chính sách mới về hạn chế visa sẽ được áp dụng đối với 44 ngành học, bao gồm trí tuệ nhân tạo, hóa học, vật lý, toán học, khoa học máy tính và lĩnh vực kỹ thuật... Dự kiến ​​những biện pháp này sẽ khiến hàng ngàn nhân viên nghiên cứu của Trung Quốc không thể đến làm việc tại Anh. Đối với những người Trung Quốc đã học tập và làm việc tại Anh, nếu họ được xác định có thể gây nguy hiểm đến an ninh của nước Anh thì visa của họ sẽ bị hủy.

Tờ The Times cho hay, Cơ quan tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) đã cảnh báo các trường đại học Anh rằng có người từ "các nước thù địch" đang "đánh cắp dữ liệu cá nhân, dữ liệu nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ" tại Anh và sử dụng chúng vào mục đích quân sự và thương mại.

Theo Chương trình Phê duyệt Công nghệ Học thuật của Anh (ATAS), sinh viên nước ngoài muốn tham gia học tập hoặc nghiên cứu trong các lĩnh vực nhạy cảm cần phải nộp đơn xin cấp chứng chỉ ATAS. Riêng với các sinh viên đến từ Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore thì không cần xin cấp chứng chỉ.

Trong năm học 2018-2019, tại Anh có 7.330 nghiên cứu sinh đến từ Trung Quốc, phần lớn trong số này theo học các chuyên ngành nhạy cảm đòi hỏi phải có chứng chỉ ATAS. Cũng trong năm học này, có 3.560 công dân Trung Quốc làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về các môn nhạy cảm tại các trường đại học ở Anh, những người này sẽ bị thẩm tra lý lịch theo quy định mới khi họ xin gia hạn visa.

Ngoài giới học thuật, các nhân viên Trung Quốc làm công tác nghiên cứu trong các lĩnh vực nhạy cảm tại các công ty Anh cũng được yêu cầu xin cấp chứng chỉ ATAS. Kể từ cuối năm ngoái, họ phải khai báo về mối quan hệ của mình với quân đội Trung Quốc.

Trước đây, Chương trình ATAS được thiết kế nhằm bảo đảm rằng những người nộp đơn xin học một số ngành nhạy cảm tại Anh không có mối liên hệ nào với Chương trình phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD). Nhưng kể từ năm ngoái, nó đã được mở rộng sang lĩnh vực công nghệ quân sự như máy bay và an ninh mạng.

Đến nay, chính phủ Anh không tiết lộ con số cụ thể về những người nộp đơn nhưng bị từ chối.

Vào tháng 6 năm ngoái, chính quyền Mỹ tuyên bố cấm các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên quan đến quân đội nước này nhập cảnh vào Mỹ. Cũng vào năm ngoái, các công tố viên liên bang Mỹ đã mở hơn một chục vụ điều tra hình sự liên quan đến hành vi đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.