Chờ...

Australia và New Zealand sơ tán công dân ra khỏi New Caledonia

VOH - Ngày 21/5, Australia và New Zealand cho biết sẽ đưa máy bay đến New Caledonia để sơ tán công dân về nước.

Động thái diễn ra trong bối cảnh cuộc bạo loạn tại New Caledonia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết, nước này đã nhận được thông báo về việc cho phép cử máy bay đến New Caledonia đưa công dân về nước.

Ngay trong hôm nay, Australia sẽ cử 2 máy bay đến New Caledonia để thực hiện nhiệm vụ này.

Canh sat phap 800
 Cảnh sát Pháp tại hiện trường bạo loạn ở New Caledonia hồi giữa tháng 5 - Ảnh: AFP

Không chỉ đưa công dân Australia về nước, máy bay của Australia cũng sẽ chở cả khách du lịch của các quốc gia khác rời khỏi New Caledonia.

New Zealand cũng sẽ cử 1 máy bay đến New Caledonia trong ngày hôm nay để đưa 50 công dân về nước.

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết, trong những ngày tới, New Zealand sẽ tiếp tục phối hợp với Pháp, Australia và các đối tác để đảm bảo cho sự an toàn cho công dân các nước tại New Caledonia.

Chiến dịch sơ tán công dân Australia và New Zealand khỏi New Caledonia được tiến hành sau khi Pháp cử hơn 1000 cảnh sát, quân đội và lực lượng an ninh đến New Caledonia để kiểm soát tình hình và mở tuyến đường an toàn đến sân bay quốc tế ở thủ đô Noumea.

Ngày 20/5, ông Louis Le Franc - Cao ủy Pháp tại New Caledonia (quần đảo nằm trên Thái Bình Dương, thuộc Pháp) nói rằng Pháp đã điều động 1.000 cảnh sát đến quần đảo này để ổn định tình hình trong bối cảnh bạo loạn tiếp diễn phức tạp tại đây.

Dù vậy, người biểu tình vẫn tiếp tục những hoạt động phản đối bằng việc chặn các con đường trên quần đảo.

Theo các quan chức chính quyền New Caledonia, việc người biểu tình chặn các tuyến đường gây khó khăn cho việc cung ứng thực phẩm đến các cửa hàng ở một số khu vực, cũng như đảm bảo đi lại an toàn cho các nhân viên y tế.

Tình trạng bạo loạn ở New Caledonia đã kéo dài một tuần qua, bắt nguồn từ một dự luật mới mà quốc hội Pháp thông qua hôm 14/5, cho phép cư dân Pháp sống ở New Caledonia đủ 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh.

Một số lãnh đạo địa phương ở New Caledonia lo ngại động thái trên sẽ làm loãng cuộc bỏ phiếu của người Kanak (người bản địa trên quần đảo).