Australia: Việc tìm kiếm viên phóng xạ thất lạc như 'mò kim đáy bể'

(VOH) - Vụ việc một viên chứa chất phóng xạ bị thất lạc khoảng 2 tuần trước đang làm đau đầu các nhà chức trách Australia, khi việc tìm kiếm đang trở nên vô cùng khó khăn và như mò kim đáy bể.

Giới chức bang Tây Australia đã phát đi cảnh báo "nguy cơ chất phóng xạ" đối với một số địa phương, trong đó có thủ phủ Perth, sau khi phát hiện một viên phóng xạ chuyên dùng cho thiết bị khai khoáng bị thất lạc trong lúc vận chuyển. 

Chiếc xe tải chở theo thiết bị có chứa vật liệu phóng xạ trên đã rời khỏi khu mỏ của tập đoàn Rio Tino vào ngày 11/1 và đến nhà kho của hãng ở vùng ngoại ô của thành phố Perth vào ngày 16/1. Tuy nhiên, đến ngày 25/1, giới chức Australia mới nhận được báo cáo từ tập đoàn Rio Tino cho biết không tìm thấy viên phóng xạ trong quá trình kiểm kê.

Theo nhận định ban đầu, có thể viên chứa chất phóng xạ trong quá trình di chuyển bị dằn xóc đã rơi ra khỏi thiết bị và lọt qua các khe hở của xe tải và thất lạc. Đây là tai nạn vô cùng hy hữu. 

Viên phóng xạ này có hình trụ, vỏ bằng bạc, đường kính khoảng 6 mm và dài khoảng 8 mm, chứa chất phóng xạ Caesium-137 bên trong. 

Người đứng đầu cơ quan y tế bang Tây Úc, ông Andrew Robertson, cảnh báo nguy cơ bị bỏng phóng xạ hoặc nhiễm độc nếu chạm tay vào viên chứa chất phóng xạ này. Cơ quan này kêu gọi người dân khi phát hiện được tuyệt đối không chạm tay vào và cần liên hệ ngay với các dịch vụ khẩn cấp.

Theo ông Robertson, vật thể trên phát ra 2 mili sievert phóng xạ mỗi giờ, tương đương với 10 lần chụp X-quang trong một giờ. (Sievert là đơn vị đo liều bức xạ, 1 Sievert bằng 1.000 mili sievert). 

“Một trong những lo ngại của chúng tôi là người dân có thể nhặt được viên phóng xạ, thấy hiếu kỳ và giữ lại dù không biết bên trong chứa chất gì”, ông Robertson nói.

Cơ quan phản ứng khẩn cấp bang Tây Australia cho biết đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm viên chứa chất phóng xạ thất lạc vì phải tìm kiếm dọc hành trình dài 1.400 km của chiếc xe tải từ mỏ của tập đoàn Rio Tinto ở phía bắc Newman - một thị trấn nhỏ ở vùng Kimberley xa xôi - đến nhà kho ở vùng ngoại ô thành phố Perth. Khoảng cách này thậm chí lớn hơn chiều dài của Vương quốc Anh.

Ông Andrew Stuchbery, phụ trách khoa Ứng dụng Máy gia tốc & Vật lý Hạt nhân tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng nhiệm vụ tìm kiếm này giống như "mò kim đáy bể, nhưng không phải là bất khả thi" vì lực lượng chức năng được trang bị các máy dò bức xạ.

Australia: Việc tìm kiếm viên phóng xạ bị thất lạc như 'mò kim đáy bể'
Hình ảnh về viên chứa chất phóng xạ Caesium-137 bị thất lạc do Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp bang Tây Australia công bố.

Ông Darryl Ray, quan chức thuộc Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp bang Tây Australia (DFES), cho biết nhóm tìm kiếm đang tập trung vào các khu đông dân cư ở phía bắc thành phố Perth và dọc tuyến cao tốc Great Northern, sử dụng máy dò bức xạ để định vị tia gamma do viên chứa phóng xạ phát ra.

Giới chức bang Tây Australia cũng đang sử dụng dữ liệu định vị GPS của chiếc xe tải để xác định chính xác tuyến đường phương tiện di chuyển, dừng đỗ trên quãng đường dài 1.400km kể trên.

Một số quan chức bang Tây Australia lo ngại rằng viên chứa phóng xạ có thể đã mắc kẹt vào lốp phương tiện khác và đã lạc tới địa điểm cách xa khu vực tìm khiếm tới hàng trăm kilomet.

Australia: Việc tìm kiếm viên phóng xạ bị thất lạc như 'mò kim đáy bể'
Giới chức Australia tìm thiết bị phóng xạ thất lạc ngày 27/1 trên đoạn đường từ Newman đến Perth, bang Tây Australia. Ảnh: DQ

Ông Simon Trott - người đứng đầu bộ phận khai thác quặng sắt của Rio Tinto Ltd đã lên tiếng xin lỗi về sự cố, cho biết tập đoàn cũng đang tiến hành điều tra quá trình viên phóng xạ thất lạc. Ông Trott cho hay Rio Tinto đã hoàn tất quá trình dò tìm chất phóng xạ trong khu vực mỏ, tuyến đường ra khỏi khu mỏ và một số khu vực khác.

Song song với quá trình tìm kiếm, giới chức bang Tây Australia sẽ mở cuộc điều tra liên quan đến sự việc. Theo kết luận ban đầu, cảnh sát cho rằng đây là tai nạn và chưa có dấu hiệu tội phạm cũng như loại trừ khả năng xảy ra trộm cắp tại nhà kho trước khi chiếc hộp chứa viên phóng xạ được mở ra ngày 25/1.

Bình luận