Ba Lan ghi nhận bùng phát cúm gia cầm quy mô lớn

(VOH) - Ngày 7/12, Tổ chức Thú y Thế giới cho biết Ba Lan đã ghi nhận đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 độc lực cao tại một trang trại với quy mô chăn nuôi gần 220.000 cá thể gia cầm.

Báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) dẫn nguồn tin từ giới chức Ba Lan cho biết, đợt cúm gia cầm mới nhất ở nước này ghi nhận tại một trang trại ở vùng tây nam nước này, làm chết 3.000 cá thể gia cầm.

Toàn bộ số gia cầm còn lại sẽ bị tiêu hủy để tránh lây lan dịch bệnh. Báo cáo không nêu chi tiết loại gia cầm nào nhiễm bệnh.

Ba Lan ghi nhận bùng phát cúm gia cầm quy mô lớn
Cúm gia cầm được xác định chưa lây nhiễm từ người sang người. Ảnh minh họa: AP

Hiện tại, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại một số nước như Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Peru.

Số ca mắc cúm gia cầm tại Nhật Bản đang tăng với tốc độ nhanh hơn 2 năm trước đây khi số gia cầm bị tiêu hủy lên đến mức cao kỷ lục, khiến chính phủ phải kêu gọi các chủ trang trại và chính quyền địa phương áp dụng triệt để các biện pháp phòng ngừa.

Tại Việt Nam, một bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ đã xác định dương tính với cúm A/H5N1 vào tháng 10 năm nay. Đây là ca bệnh cúm gia cầm trên người đầu tiên sau 8 năm không ghi nhận ca nhiễm mới tại nước ta. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Người dân không ăn thịt gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc

Theo các chuyên gia, cúm gia cầm có nhiều loại, trong đó H5N1 là nhóm được xem là rất nguy hiểm vì có độc lực cao và khả năng lây lan mạnh, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao - lên đến 60%. Chủng này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hong Kong năm 1997 và gây ra đại dịch cúm A/H5N1 vào năm 2003.

Cúm gia cầm ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như sốt và ho, nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não cũng đã được báo cáo ở các mức độ khác nhau.