Ba Lan phản đối thỏa thuận FTA vì lo ngại sẽ gây ra "sự cạnh tranh không lành mạnh"

VOH - Phó Thủ tướng Ba Lan Kosiniak-Kamysz cho biết, chính phủ Ba Lan phản đối mạnh mẽ thỏa thuận FTA giữa EU và Khối Mercosur vì lo ngại nó sẽ gây ra "sự cạnh tranh không lành mạnh"

Phó thủ tướng Ba Lan mới đây tuyên bố chính phủ nước này sẽ không ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), đồng thời nhấn mạnh quyết định chính thức sẽ được đưa ra trong cuộc họp tuần tới.

balan_voh
Phó Thủ tướng Ba Lan Kosiniak-Kamysz - Ảnh:dorzeczy

Phát biểu trước truyền thông ngày 23/11, Phó Thủ tướng Ba Lan Kosiniak-Kamysz cho biết, chính phủ Ba Lan phản đối mạnh mẽ thỏa thuận FTA này vì lo ngại nó sẽ gây ra "sự cạnh tranh không lành mạnh" đối với nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm tại Ba Lan nói riêng, cũng như EU nói chung.

Theo ông, các sản phẩm nhập khẩu từ các nước Mercosur, bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay, có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như những gì nông dân châu Âu đang tuân thủ. Điều này sẽ đặt các nhà sản xuất EU vào tình thế bất lợi ngay trên thị trường nội địa.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Siekierski cũng đồng tình, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất quan trọng như gia cầm, thịt bò và đường – những lĩnh vực có vai trò lớn trong nền kinh tế nông nghiệp của Ba Lan.

Không chỉ từ chính phủ, thỏa thuận EU-Mercosur cũng đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới nông dân Ba Lan. Ngày 23/11, hàng trăm nông dân đã tổ chức biểu tình, chặn cửa khẩu biên giới Medyka giữa Ba Lan và Ukraine để phản đối.

Họ cho rằng nếu thỏa thuận được ký, các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Mercosur sẽ tràn vào thị trường EU, khiến nông dân địa phương mất đi sức cạnh tranh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của họ.

Các cuộc đàm phán giữa EU và Mercosur đã kéo dài hơn hai thập kỷ, bắt đầu từ năm 2000. Mặc dù hai bên đã đạt được một thỏa thuận khung vào tháng 6-2019, việc phê chuẩn chính thức vẫn gặp nhiều trở ngại.

Nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là những nước có ngành nông nghiệp lớn như Pháp, Ireland, và Ba Lan, bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận sẽ làm suy yếu các tiêu chuẩn môi trường và gây tổn hại cho nền sản xuất trong nước.

Bình luận