Băng biển ở Nam Cực xuống thấp kỷ lục

(VOH) - Biển băng bao quanh Nam Cực giảm xuống chỉ còn 1,91 triệu km vuông vào ngày 13/2, dưới mức kỷ lục trước đó là 1,92 triệu km vuông - được thiết lập vào ngày 25/2 năm ngoái.

Băng biển ở Nam Cực đã đạt mức thấp kỷ lục lần thứ hai trong hai năm. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng, sự sụt giảm đáng kể là tín hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu có thể ảnh hưởng rõ ràng hơn đến khu vực rộng lớn, phức tạp và biệt lập này.

Hai năm qua đánh dấu lần duy nhất mực nước biển giảm xuống dưới 2 triệu km vuông kể từ khi các vệ tinh bắt đầu theo dõi vào năm 1978 và diện tích băng biển vẫn có thể thu nhỏ hơn nữa.

Ted Scambos, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado Boulder nói với CNN rằng, đó “không chỉ là mức thấp kỷ lục, nó đang có xu hướng giảm rất dốc”.

băng tan
Tảng băng xanh mắc kẹt trong biển băng ở biển Weddell, Nam Cực. (Ảnh: Getty)

Không giống như Bắc Cực, nơi tốc độ mất băng trên biển theo một quỹ đạo đi xuống khá ổn định khi biến đổi khí hậu gia tăng, phạm vi băng trên biển ở Nam Cực dao động lên xuống, khiến cho việc tìm hiểu xem lục địa và đại dương xung quanh đang phản ứng thế nào với toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Trong khi Bắc Cực là một đại dương được bao quanh bởi các lục địa, thì Nam Cực là một lục địa được bao quanh bởi đại dương – điều này có nghĩa là băng biển Nam Cực có thể phát triển ra bên ngoài, không bị giới hạn bởi đất liền, tuy nhiên băng ở Nam Cực có xu hướng mỏng hơn băng ở Bắc Cực.

Các mô hình khí hậu dự báo sự suy giảm băng biển ở Nam Cực tương tự như ở Bắc Cực, nhưng cho đến gần đây, khu vực này hoạt động hoàn toàn khác so với những mô hình dự đoán.

Lúc đầu, một số người cho rằng đó là do tính hay thay đổi thông thường của lục địa rộng lớn phức tạp này, với các hệ thống khí hậu đan xen, đa dạng. Nhưng sau hai kỷ lục băng biển thấp liên tiếp, các nhà khoa học đang trở nên lo ngại.

Đọc thêm: Kho hạt giống của thế giới tại Bắc Cực bị ngập vì băng tan

Một số yếu tố có thể giải thích tại sao băng biển quá thấp là do gió, hải lưu và nhiệt độ đại dương.

Nhiệt độ không khí ở các vùng của Nam Cực, cao hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình dài hạn. Trong khi đó vành đai gió tây bao quanh Nam Cực - có thể làm tăng băng tan trên biển - đã mạnh hơn bình thường. Sức mạnh của gió một phần có liên quan đến sự gia tăng ô nhiễm làm nóng hành tinh cũng như lỗ thủng tầng ozon.

Scambos cho biết, cũng có ý kiến ​​cho rằng băng biển có thể tan chảy do hơi ấm bị giữ lại ngay dưới bề mặt đại dương.

Sự biến mất của băng biển có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước biển, vì nó đã trôi nổi trong đại dương, nhưng sự mất đi của dải băng biển xung quanh Nam Cực khiến các dải băng ven biển và sông băng tiếp xúc với sóng và nước biển ấm, khiến chúng dễ bị tan hơn.

Cảnh quan ở Nam Cực bị thay đổi có thể tác động đáng kể đến đời sống hoang dã, từ các vi sinh vật và tảo hỗ trợ chuỗi thức ăn – thức ăn cho loài nhuyễn thể, sau đó là thức ăn cho nhiều loài cá voi trong khu vực – đến chim cánh cụt và hải cẩu sống dựa vào băng biển để kiếm ăn.