Các nghiên cứu sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi sự tan chảy của sông băng - đã phát hiện ra rằng, khoảng 5.000 tỷ tấn băng đã biến mất khỏi bề mặt dải băng Greenland trong hai thập kỷ qua, nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu của Mỹ đã tổng hợp gần 240.000 hình ảnh vệ tinh về các vị trí cuối sông băng, nơi các sông băng gặp đại dương – từ năm 1985 đến năm 2022.
Tác giả chính Chad Greene, nhà nghiên cứu về sông băng từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA nói với AFP: “Gần như mọi sông băng ở Greenland đã mỏng đi hoặc biến mất trong vài thập kỷ qua” và không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Điều này đang xảy ra ở mọi nơi, cùng một lúc.
Họ phát hiện ra rằng hơn 1.000 gigaton (1 gigaton tương đương với 1 tỷ tấn), hay 20% băng quanh rìa Greenland đã bị mất trong bốn thập kỷ qua và không được tính đến.
Xem thêm: Kho hạt giống của thế giới tại Bắc Cực bị ngập vì băng tan
Các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí Nature: “Dải băng Greenland đã mất nhiều băng hơn đáng kể trong những thập kỷ gần đây so với suy nghĩ trước đây”.
Bởi vì băng ở rìa hòn đảo đã ở trong nước nên các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, điều này sẽ có tác động "tối thiểu" đến mực nước biển dâng, nhưng nó báo trước sự tan băng tổng thể hơn nữa và cho phép các sông băng dễ dàng trượt về phía biển.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, các sông băng ở Greenland dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những thay đổi theo mùa - mở rộng vào mùa đông và thu hẹp vào mùa hè. Những sông băng này nhạy cảm nhất với tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu và trải qua đợt thu hẹp đáng kể nhất kể từ năm 1985.
Sự tan chảy của dải băng rộng lớn ở Greenland - lớn thứ hai thế giới sau Nam Cực - được ước tính đã góp phần hơn 20% vào mực nước biển dâng được quan sát kể từ năm 2002.
Mực nước biển dâng cao có nguy cơ làm gia tăng lũ lụt ở các cộng đồng ven biển và hải đảo, nơi sinh sống của hàng trăm triệu người và cuối cùng có thể nhấn chìm toàn bộ các quốc đảo và thành phố ven biển.