Ngày 15/12, cảnh sát trưởng Francois-Xavier Bieuville phát biểu trên kênh truyền thông địa phương Mayotte La 1ere rằng: “Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có hàng trăm người, có thể lên tới hàng nghìn người thiệt mạng”.
Khi được hỏi về số người chết do bão Chido, Bộ Nội vụ Pháp cho biết "sẽ rất khó để thống kê hết tất cả các nạn nhân" và hiện tại vẫn chưa thể xác định được con số cụ thể.
Cơ quan khí tượng Pháp Meteo-France cho biết, bão Chido đã tấn công Mayotte vào đêm 15/12 với sức gió hơn 200km/h, gây hư hại nhà cửa, tòa nhà chính phủ và một bệnh viện. Đây là cơn bão mạnh nhất trong hơn 90 năm qua đổ bộ vào quần đảo này.
“Thành thật mà nói, những gì chúng tôi đang trải qua là một thảm kịch, cảm thấy như mình đang ở hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân… Tôi đã chứng kiến cả một khu phố biến mất” - ông Mohamed Ishmael, một cư dân tại thủ phủ Mamoudzou của Mayotte, nói với Reuters qua điện thoại.
Các cảnh quay trên không do lực lượng hiến binh Pháp chia sẻ cho thấy cảnh đổ nát của hàng trăm ngôi nhà tạm bợ nằm rải rác trên những ngọn đồi của một trong những hòn đảo thuộc Mayotte, nơi từng là điểm nóng về tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Comoros lân cận.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chia buồn tới "những người đồng hương ở Mayotte, những người đã trải qua những giờ phút kinh hoàng nhất, và một số người đã mất tất cả, mất cả mạng sống".
Các nhà chức trách cho biết, rất khó để xác định số người chết chính xác sau cơn bão. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về việc tiếp cận thực phẩm, nước và vệ sinh.
Một quan chức Bộ Nội vụ Pháp trước đó cho biết: "Về con số thương vong, sẽ rất phức tạp vì Mayotte là vùng đất Hồi giáo, nơi người chết được chôn cất trong vòng 24 giờ".
Nằm cách Paris gần 8.000km, Mayotte nghèo hơn đáng kể so với phần còn lại của Pháp và phải vật lộn với tình trạng bạo lực băng đảng và bất ổn xã hội trong nhiều thập kỷ.
Hơn ba phần tư người dân Mayotte sống dưới mức nghèo khổ của Pháp. Căng thẳng đã bùng phát tại đây vào đầu năm 2024 do tình trạng thiếu nước.
Thảm họa mà cơn bão gây ra là thách thức đầu tiên mà Thủ tướng Francois Bayrou phải đối mặt, vài ngày sau khi ông được ông Macron bổ nhiệm.
Pháp xâm chiếm Mayotte vào năm 1843 và sáp nhập toàn bộ quần đảo, bao gồm cả Comoros, vào năm 1904.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1974, 95% ủng hộ việc ly khai nhưng 63% cư dân ở Mayotte bỏ phiếu đồng ý nơi này tiếp tục thuộc Pháp. Grande Comore, Anjouan và Moheli tuyên bố độc lập vào năm 1975. Mayotte vẫn do Paris cai quản.
Trong vài thập kỷ qua, hàng ngàn người đã cố gắng vượt biển từ Comoros, ngoài khơi bờ biển Đông Phi, đến Mayotte, nơi có mức sống cao hơn và được hưởng hệ thống phúc lợi của Pháp.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, có hơn 100.000 người di cư không có giấy tờ đang sinh sống tại Mayotte.