Chờ...

Bão mặt trời tạo ra cực quang rực rỡ

VOH - Bão mặt trời mang đến món quà đẹp mắt cho người dân tại nhiều vùng có vĩ độ cao ở bán cầu Bắc: bắc cực quang.

Theo Trung tâm Dự báo thời tiết không gian thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), bão Mặt trời đang tấn công trái đất và tạo ra cực quang ngoạn mục trên bầu trời.

Tuy nhiên, cảnh báo nguy cơ làm gián đoạn các vệ tinh và lưới điện khi bão kéo dài đến cuối tuần.

bao-mat-troi-nasa-
Trái đất có thể đón một cơn bão từ (CME) từ Mặt trời mạnh nhất trong 20 năm qua - Ảnh: NASA/GFSC/SDO

Vụ đầu tiên trong số các vụ phun trào nhật hoa (CME) - hiện tượng plasma và từ trường phóng ra từ Mặt Trời - diễn ra khoảng chiều 10/5 giờ GMT.

Sau đó, hiện tượng này nâng cấp thành một cơn bão địa từ cực mạnh cấp G5 - cơn bão đầu tiên thuộc cấp này kể từ năm 2003 khi một cơn bão Mặt trời mạnh gây mất điện ở Thụy Điển và làm hư hại cơ sở hạ tầng điện ở Nam Phi.

Trong những ngày tới, dự kiến có thêm nhiều vụ phun trào nhật hoa tấn công Trái đất.

Các chuyên gia cho biết tốc độ di chuyển trung bình của CME hiện tại là 800km mỗi giây. Các CME này phát ra từ cụm vết đen Mặt trời khổng lồ AR3664 rộng gấp hơn 15 lần Trái đất.

Mặt trời đang tiến dần đến đỉnh điểm của chu kỳ hoạt động 11 năm, do đó hoạt động rất mạnh.

Trong thời gian cơn bão diễn ra, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk cảnh báo trên website của mình rằng "đường truyền đang bị giảm sút" do ảnh hưởng từ cơn bão trên.

Điều này chứng minh cảnh báo trước đó của NOAA rằng cơn bão có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các lưới điện cao thế hoặc thiết bị thu phát tín hiệu như vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu (GPS)...

Ngoài Starlink và ông Musk, hiện chưa có bên nào phản hồi rõ ràng về việc chịu ảnh hưởng tiêu cực của bão Mặt trời.

Trái với những ảnh hưởng cho thiết bị điện tử, bão mặt trời lại mang đến món quà đẹp mắt cho người dân tại nhiều vùng có vĩ độ cao ở bán cầu Bắc: bắc cực quang.

Trong suốt thời gian diễn ra cơn bão và cả sau đó, hiện tượng kỳ vĩ đã xuất hiện tại nhiều nơi, trong đó có Anh, Canada, Mỹ...

Các nhà khoa học dự đoán dù bão mặt trời đã qua, hiện tượng trên có thể vẫn sẽ tiếp diễn cho đến hết ngày 12/5, thậm chí kéo dài hơn nữa.