Một số du khách quốc tế bắt đầu hủy bỏ chuyến đi đến Hàn Quốc sau khi lệnh thiết quân luật ngắn ngủi được ban hành vào tuần trước, gây lo ngại cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như khách sạn, du lịch và phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo số liệu từ năm 2023, ngành du lịch Hàn Quốc đóng góp 84.700 tỷ won (59,1 tỷ USD), chiếm khoảng 3,8% GDP của đất nước. Mặc dù lượng khách du lịch đã gần đạt mức trước đại dịch, nhưng những lo ngại về an ninh chính trị có thể gây ra tác động tiêu cực đến ngành này.
Thị trưởng Seoul, ông Oh Se-hoon, cảnh báo rằng bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch khi số lượng khách hủy chuyến và rút ngắn thời gian lưu trú ngày càng tăng.
Các công ty trong ngành khách sạn và du lịch ghi nhận sự sụt giảm trong lượng đặt phòng. Tập đoàn khách sạn Accor cho biết tỷ lệ hủy phòng tăng khoảng 5% kể từ ngày 3/12, so với tháng 11 trước đó.
Hiệp hội Khởi nghiệp Du lịch Hàn Quốc cũng xác nhận rằng lượng đặt phòng cho nửa đầu năm 2025 đã giảm mạnh, trong khi một số khách sạn đã phải đưa ra các ưu đãi giảm giá để thu hút khách.
Đặc biệt, các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tại khu Gangnam, Seoul - một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch y tế cũng cho biết một số bệnh nhân nước ngoài hủy kế hoạch điều trị sau các sự kiện chính trị gần đây. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ, vốn là một trong những yếu tố thu hút du khách quốc tế đến Hàn Quốc.
Ngành du lịch Hàn Quốc đang đối mặt với một bài toán khó. Ngoài việc giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bất ổn chính trị, Hàn Quốc còn mong muốn thúc đẩy lượng khách du lịch, đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số lượng khách quốc tế lên 30 triệu lượt người vào năm 2027.
Theo chuyên gia, nếu tình hình an ninh không ổn định, những chiến lược "sức mạnh mềm" từ văn hóa Hàn Quốc như Làn sóng âm nhạc hay thương hiệu toàn cầu Samsung cũng không đủ để duy trì sự phát triển bền vững của ngành.