Các cuộc đụng độ leo thang thành bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình đã được ghi nhận tại hàng chục thành phố lớn ở Italy, trong đó có Rome, Genoa, Palermo và Trieste.
Đặc biệt ở Turin, người biểu tình còn ném bom xăng vào các sĩ quan cảnh sát. Tại kinh đô thời trang Milan, cảnh sát đã phải sử dụng đến bình xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Ngoài ra tình hình bạo lực cũng được báo cáo xảy ra ở thành phố Naples.
Người biểu tình đã tập trung xuống đường phản đối ngay sau khi quyết định của Chính phủ về việc đóng cửa nhà hàng, quán bar, phòng tập gym và rạp chiếu phim chính thức có hiệu lực từ 18 giờ ngày 26/10 (giờ địa phương). Một số cửa hàng nhỏ lẻ vẫn được phép hoạt động.
Nhiều vùng ở Italy cũng ban hành lệnh giới nghiêm vào đêm, bao gồm vùng Lombardy (thủ phủ là thành phố Milan) và vùng Piedmont (thủ phủ là Turin).
Tình hình trên ở Italy trái ngược hoàn toàn vào đầu năm nay, khi đó Chính phủ cũng đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc và nhận được sự ủng hộ của người dân. Trong khi đó các biện pháp nhằm hạn chế làn sóng lây lan thứ hai của dịch bệnh ở thời điểm hiện tại lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và ngay tức thì.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết họ không đồng ý với các biện pháp của Chính phủ vì vẫn còn trong giai đoạn phục hồi sau lệnh phong tỏa trước đó. Giờ đây nếu phải áp dụng thêm các hạn chế nữa thì đồng nghĩa với việc sẽ phải tuyên bố phá sản.
Một số cửa hàng kinh doanh cao cấp ở trung tâm thành phố Turin, chẳng hạn như cửa hàng của Gucci, đã bị người biểu tình ồ ạt tràn vào cướp bóc và chạy tán loạn ra đường phố ngay sau khi quy định giới nghiêm có hiệu lực.
Tại Milan, đám đông biểu tình đã hô to “Tự do, tự do, tự do!” khi đụng độ với cảnh sát. Đụng độ giữa hai bên trở nên căng thẳng khi người biểu tình liên tục đốt pháo, ném bom xăng vào lực lượng chức năng, còn cảnh sát thì phải dùng đến bình xịt hơi cay để giải tán đám đông.
Các biện pháp hạn chế mới sẽ được áp dụng tại Italy từ nay cho đến ngày 24/11. Đối với các hoạt động giáo dục, 75% các trường trung học và đại học ở Italy phải chuyển qua hình thức dạy trực tuyến. Trong khi đó, chính quyền các địa phương lại yêu cầu tất cả các trường học đều chuyển qua hình thức dạy học từ xa. Điều này đã vấp phải sự phản đối từ Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina.
Bên cạnh đó, Chính phủ Italy cũng kêu gọi người dân không di chuyển ra khỏi địa phương sinh sống của mình trừ khi có việc khẩn cấp, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khi không cần thiết.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte phát biểu tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta sẽ phải chịu đựng hơi khó khăn một chút trong tháng này, nhưng bù lại tất cả sẽ cùng thở phào vào tháng 12 tới nếu công tác phòng chống dịch diễn ra hiệu quả.”