Máy bay mang số hiệu 7C2216 của Jeju Air khởi hành từ thủ đô Bangkok của Thái Lan đến sân bay Muan ở phía tây nam Hàn Quốc đã gặp sự cố phải hạ cánh bằng bụng và va chạm mạnh vào bức tường bê tông ở cuối đường băng. Máy bay sau đó phát nổ thành quả cầu lửa khổng lồ và 179 người đã thiệt mạng. Đây là thảm kịch máy bay tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Đất đai - Hạ tầng - Giao thông Hàn Quốc Park Sang-woo thừa nhận trách nhiệm, và cho biết sẽ tìm thời điểm thích hợp để thông báo từ chức sau khi giải quyết xong các vấn đề liên quan đến thảm kịch.
Bộ Đất đai - Hạ tầng - Giao thông Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành các biện pháp cải thiện tính an toàn của hệ thống hạ cánh tại sân bay – mà theo các chuyên gia cho là đây là các yếu tố đã góp phần gây ra tai nạn kinh hoàng lần này.
Theo đó, các chuyên gia hàng không cho rằng bức tường - được thiết kế để đỡ ăng-ten định vị hướng dẫn hạ cánh trong các trường hợp tầm nhìn hạn chế - có cấu trúc quá cứng và nằm quá gần vị trí cuối đường băng sân bay.
Ông Joo Jong-wan, Thứ trưởng phụ trách hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông Hàn Quốc, thừa nhận các biện pháp bảo đảm an toàn khi xây dựng bức tường trên đã không được thực thi đầy đủ, nhưng ông cũng nói rằng chúng được thiết kế theo đúng các quy chuẩn của Hàn Quốc và nước ngoài.
Ông Joo cho biết cảnh sát hiện đang điều tra về quá trình thi công bức tường này. Tuần trước, cảnh sát đã có buổi làm việc với hãng hàng không Jeju Air và bộ phận điều hành Sân bay Quốc tế Muan liên quan đến vụ tai nạn.
Theo trưởng nhóm điều tra Lee Seung-yeol, cơ quan chức năng đã tìm thấy nhiều lông chim trong động cơ máy bay, và có một đoạn video cũng cho thấy máy bay có va chạm với chim.
Hồi đầu tuần này, 2 điều tra viên Hàn Quốc cũng đã lên đường sang Mỹ mang theo hộp đen máy bay - vốn đã bị hư hại khá nhiều trong vụ tai nạn - để phục hồi và phân tích dữ liệu, với sự hỗ trợ từ Cơ quan An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB).
Hai hộp đen, gồm một thiết bị thu âm giọng nói từ buồng lái và một thiết bị ghi lại dữ liệu chuyến bay, được cho là những manh mối quan trọng giúp làm sáng tỏ nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn.
Ông Lee cho biết có thể mất khoảng 3 ngày để trích xuất dữ liệu từ hộp đen máy bay và thêm 2 ngày để phân tích sơ bộ các thông tin cơ bản như liệu một trong hai động cơ có bị hư hỏng hay không.
Tính đến nay, việc tại sao máy bay không hạ càng đáp khi hạ cánh và tại sao phi công phải tìm cách hạ cánh lần thứ hai sau khi thông báo với kiểm soát không lưu rằng máy bay va chạm với chim và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vẫn chưa có câu trả lời.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thông thường máy bay khi va chạm với chim thì hệ thống hạ cánh và càng đáp của máy bay cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Trước đó vào thứ Bảy 4/1, các nhà điều tra đã giải mã toàn bộ dữ liệu ghi âm từ buồng lái thu thập từ thiết bị nằm lẫn trong đống đổ nát của máy bay, và hiện chưa rõ liệu các thông tin này có được công bố rộng rãi hay không.