Cách đây ít ngày, vào ngày 8/9, London công khai ý định sẽ hủy bỏ một số thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã đồng thuận trước đó. Cụ thể, chính phủ Anh dự định đưa ra một luật mới về thị trường nội địa, trong đó cho phép các Bộ trưởng Anh được phép đơn phương quyết định các vấn đề về trợ cấp nhà nước cũng như thủ tục hải quan tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland.
Bắc Ireland là vùng lãnh thổ thuộc Anh, có chung đường biên giới với một quốc gia thành viên EU khác là Ireland. Theo Hiệp ước hòa bình Good Friday được ký kết vào năm 1998 nhằm kết thúc mọi xung đột kéo dài nhiều thập kỷ trong khu vực, đường biên giới chung này phải luôn luôn được mở.
Muốn như vậy thì Bắc Ireland sẽ phải tuân thủ cùng lúc cả các quy định của EU lẫn của Anh về trợ cấp và thuế quan. Điều này đúng theo thỏa thuận mà Anh và EU đã đạt được vào cuối năm 2019, tuy nhiên lại đang mâu thuẫn với kế hoạch mới nêu trên của Anh. Nước Anh cũng thừa nhận đã vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa ra kế hoạch này.
Kế hoạch mới của Anh mâu thuẫn với thỏa thuận mà Anh và EU đã đạt được vào cuối năm 2019, trong đó quy định Bắc Ireland sẽ phải tuân thủ cùng lúc cả các quy định của EU lẫn của Anh về trợ cấp và thuế quan, nhằm giữ cho biên giới giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland thuộc EU được tiếp tục mở.
EU cho rằng động thái mới nhất của Anh là nước đi nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng đến uy tín đất nước và gây khó cho việc tiến tới các thỏa thuận thương mại sau này. Đồng thời, các nhà đàm phán của EU cũng đang tìm cách xử lý với dự định của London.
Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic sẽ đến London để gặp người đồng cấp Anh là Michael Gove nhằm tổ chức cuộc đàm phán khẩn cấp, song song với các cuộc đàm phán thương mại theo kế hoạch giữa các nhà đàm phán chính là Michel Barnier và David Frost.
“EU đang chờ đợi những lời giải thích rõ ràng và xác đáng từ Vương quốc Anh về việc thực hiện đầy đủ, đúng tiến trình của thỏa thuận rút khỏi EU”, một đại diện Ủy ban châu Âu cho biết.
Sau rất nhiều lần đàm phán qua lại về một thỏa thuận hợp lý cho vấn đề Brexit, tốn nhiều công sức, giấy mực, với đủ mọi cung bậc cảm xúc của các bên liên quan, giờ đây các nhà lãnh đạo châu Âu lại dường như đang nhận được “tối hậu thư” từ nước Anh, với hai lựa chọn, một là chấp nhận Anh vi phạm thỏa thuận hoặc hai là sẽ có phương án khác và điều này đồng nghĩa EU phải chuẩn bị cho một cuộc “chia tay” vô cùng lộn xộn vào cuối năm.
Các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra hiện còn vướng mắc ở điều khoản về các quy định hỗ trợ và đánh bắt thủy hải sản trong khu vực. Nếu không có thỏa thuận nào được thiết lập, gần 1.000 tỷ USD kim ngạch thương mại giữa EU và Anh có thể sẽ rơi vào tranh chấp, khi các bên đang tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19.
Một số quốc gia cũng đã lên tiếng về dự định mới của Anh. Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi - cho biết Quốc hội Mỹ sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong tương lai với Anh nếu Anh vi phạm Hiệp ước hòa bình Good Friday.
“Hiệp ước Good Friday được toàn thể người dân Mỹ trân trọng và Quốc hội Mỹ sẽ bảo vệ Hiệp ước này bằng mọi giá”, bà Pelosi khẳng định.
Hiện tại, các quan chức hàng đầu của chính phủ Anh, trong đó có Thủ tướng Boris Johnson chưa đưa ra các bình luận thêm về vụ việc nhưng giới quan sát nhận định, nhiều khả năng đây là một chiến lược gây sức ép từ phía chính phủ Anh lên EU trong bối cảnh các đàm phán về một thỏa thuận hậu Brexit đang bế tắc nghiêm trọng.
Theo kế hoạch, nước Anh sẽ chấm dứt thời kỳ quá độ Brexit vào ngày 31/12/2020 và nếu hai bên không đạt được thỏa thuận quy định mối quan hệ trong giai đoạn mới, kịch bản “Brexit không thỏa thuận” vẫn có thể diễn ra.