Với trọng lượng lên tới 500 tấn và khả năng hoạt động liên tục dài ngày, con tàu được coi là một trong những bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong công nghệ quốc phòng trên biển.
Theo South China Morning Post, “Cá voi sát thủ” là tàu không người lái ba thân do Tổng công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc chế tạo, có động cơ kép sử dụng cả điện và dầu diesel, giúp tàu đạt tốc độ tối đa hơn 40 hải lý/giờ (khoảng 74 km/giờ) và phạm vi hoạt động lên đến 4.000 hải lý (khoảng 7.400 km).
Con tàu này được trang bị nhiều hệ thống vũ khí hiện đại như tên lửa chống hạm, tên lửa hạm đối không và có bãi đáp cho trực thăng, tạo điều kiện cho các nhiệm vụ tác chiến trên biển.
Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Chu Hải, sự kiện quốc phòng lớn nhất của Trung Quốc, thu hút hơn 1.000 đơn vị từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Tại đây, Trung Quốc không chỉ giới thiệu “Cá voi sát thủ” mà còn lần đầu tiên công bố máy bay chiến đấu J-15T - phiên bản đầu tiên của dòng J-15 có khả năng hoạt động trên tàu sân bay. Sự kiện này còn có sự góp mặt của Nga với mẫu máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 thế hệ thứ 5.
Theo chuyên gia quân sự Hồng Kông Liang Guoliang, Bắc Kinh kỳ vọng biến Chu Hải thành “điểm đến duy nhất” cho các quốc gia muốn mua công nghệ quân sự của Trung Quốc. Đây là chiến lược nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong thị trường vũ khí quốc tế, đồng thời khẳng định khả năng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Sự xuất hiện của “Cá voi sát thủ” không chỉ cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển lực lượng hải quân không người lái, mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tiềm lực quân sự của nước này.