Tại thủ đô Bangkok, một lớp sương mù dày đặc bao phủ khắp đường chân trời. Nhiều người lao động, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời, đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Supot Sitthisiri, 55 tuổi, một tài xế xe ôm ở Bangkok, chia sẻ: “Mũi tôi lúc nào cũng bị nghẹt. Tôi phải xì mũi liên tục”.
Ô nhiễm không khí ở khu vực này chủ yếu do đốt rơm rạ, ô nhiễm công nghiệp và lưu lượng giao thông lớn.
Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, chính phủ Thái Lan đã cho phép người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng miễn phí trong vòng một tuần, theo ông Suriya Juangroongruangkit, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan.
Khoảng 300 trường học tại Bangkok đã bị đóng cửa trong tuần này, theo thông tin từ chính quyền thành phố.
Chị Khwannapat Intarit, 23 tuổi, cư dân thành phố Bangkok, bày tỏ: “Họ cần hành động nhiều hơn, chứ không chỉ công bố mức bụi cao và đóng cửa trường học. Cần phải làm nhiều hơn thế. Tình trạng này cứ tái diễn và mỗi lần lại tệ hơn trước”.
Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra cho biết, các công ty và cơ quan chính phủ nên cho phép nhân viên làm việc tại nhà để giảm việc sử dụng xe cá nhân, đồng thời yêu cầu các công trình xây dựng che chắn bụi hiệu quả.
Bà nhấn mạnh rằng: “Chính phủ cam kết toàn lực giải quyết vấn đề về bụi”.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, tổ chức giám sát chất lượng không khí IQAir báo cáo rằng, mức độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 11 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trước đó vài tuần, Thủ đô Hà Nội được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, khiến chính quyền phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ sức khỏe từ ô nhiễm không khí, đồng thời khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và kính bảo hộ.
Các chính phủ tại khu vực Đông Nam Á đang thúc đẩy các giải pháp dài hạn nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bao gồm việc áp dụng thuế carbon và khuyến khích sử dụng xe điện.