Cập nhật Covid-19: Mỹ có thêm 3.282 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua

(VOH) - Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước Mỹ đã có thêm 3.282 ca tử vong do Covid-19, theo sau đó là Brazil với 1.226 ca tử vong, Mexico 1.065 ca tử vong, Anh 1.041 ca và Đức là 1.019 ca.

Đây là 5 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 tử vong nhiều nhất trong 24 giờ qua.

Theo Worldometers, trong 24 giờ qua, toàn thế giới phát hiện thêm 724.750 ca nhiễm mới Covid-19 với 13,188 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên con số 87.552.417 và 1.888.592. Số ca được chữa khỏi tới thời điểm này là 63.074.680 ca.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở các nước châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, trong tình hình bầu cử diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tại Mỹ tiếp tục duy trì sáu con số mỗi ngày. Chỉ trong vòng 24 qua, nước này ghi nhận thêm 215.327 ca nhiễm mới. Đây vẫn là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới với 21.801.888 ca.

viện dưỡng lão, vắc xin covid-19, voh.com.vn

Người cao tuổi của một viện dưỡng lão ở Brooklyn, New York, tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech Covid-19  (Ảnh: Reuters)

Anh: Thêm 62.322 ca mắc mới Covid-19

Nước Anh ngày 6/1 có thêm 1.041 người chết vì Covid-19, cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 số người chết trong 24 giờ vì Covid-19 ở đây vượt mốc 1.000. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 62.322 ca mắc mới Covid-19.

Cả Anh và Scotland đều đã bắt đầu đợt phong tỏa mới phòng dịch Covid-19 trong tuần này. Mọi người dân đều được yêu cầu ở trong nhà, hạn chế tối đa ra ngoài.

Đức: Đã đặt mua đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân

Ngày 6/1, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố nước này sẽ nhận được hơn 130 triệu liều vắc xin phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đủ để tiêm cho tất cả người dân nước này. 

Đức sẽ mua được 50 triệu liều vắc xin của Moderna thông qua Liên minh châu Âu (EU). Ông Spahn hy vọng Đức sẽ nhận được lô vắc xin đầu tiên của hãng dược phẩm Moderna vào tuần tới.

Cũng trong ngày 6/1, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã thông qua khuyến nghị về việc cấp phép lưu hành vắc xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Moderna Inc bào chế và phát triển. Như vậy, vắc xin của Moderna đã trở thành loại vắc xin ngừa Covid-19 thứ 2 được EMA khuyến nghị cấp phép lưu hành, sau vắc xin Pfizer/BioNTech.

Theo quy định, vắc xin của Moderna còn cần được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép để chính thức được lưu hành.

Hà Lan: Nước cuối cùng trong EU triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19

Ngày 6/1, nữ y tá Sanna Elkadiri, 39 tuổi, đã trở thành người đầu tiên tại Hà Lan được tiêm phòng vắc xin do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế theo chương trình tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU).

Ireland: Sẽ tiêm phòng vắc xin của Moderna cho người dân

Ngày 6/1, Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết nước này đang lên kế hoạch tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 của Moderna cho 10.000 người dân/tuần, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) "bật đèn xanh" cho loại vắc xin này.

Nga: Đưa vào sử dụng hơn 1,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19

Ngày 6/1, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết Nga đã đưa vào sử dụng hơn 1,5 triệu liều vắc xin Sputnik-V và hơn 45.000 liều vắc xin EpiVacCorona ngừa Covid-19 do nước này phát triển.

Việc sản xuất vaccine Sputnik-V ở trong nước đang phát triển và 6 cơ sở sản xuất đã hoạt động. Cơ sở thứ 7 sẽ sớm đi vào hoạt động.

Sputnik-V là vắc xin ngừa Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh mang tên Gamaleya phát triển. Vắc xin dựa trên nền tảng vector adenovirus ở người mà ưu điểm quan trọng là an toàn, hiệu quả và không có tác dụng phụ lâu dài.

Indonesia: Áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đi lại từ 11-25/1

Ngày 6/1, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt lệnh hạn chế đi lại trong khoảng thời gian từ ngày 11-25/1, đặc biệt là tại hai đảo Java và Bali, nhằm kiểm soát các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang gia tăng theo cấp số nhân tại quốc gia Đông Nam Á này.

Malaysia: Hệ thống y tế đối mặt nguy cơ quá tải

Sau 27 ngày liên tiếp có số ca mắc Covid-19 theo ngày ở mức 4 chữ số, ngày 6/1, Malaysia lại ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 2.593 ca. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Malaysia đã cảnh báo về tình trạng quá tải của hệ thống y tế nước này.