Mỹ - Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 – hiện đã có 419.771 ca tử vong trong tổng số 25.176.830 triệu ca nhiễm.
Ấn Độ xếp thứ hai với 153.053 ca tử và 10.625.420 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 214.228 ca tử vong trong số 8.699.814 ca nhiễm.
Xét về khu vực, châu Âu là khu vực có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 651.204 ca. Bắc Mỹ là khu vực đứng thứ hai với khoảng 604.838 ca tử vong. Châu Á là khu vực đứng thứ ba với 361.379 ca tử vong tính tới thời điểm này.
Ngày 21/1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 chi tiết, trong đó ưu tiên thúc đẩy việc tiêm chủng, xét nghiệm và tập trung vào khía cạnh khoa học.
"Chiến lược quốc gia về ứng phó dịch Covid-19 và sẵn sàng ứng phó đại dịch" gồm 200 trang bao gồm nhiều kế hoạch ứng phó dựa trên sự phối hợp rộng rãi ở quy mô liên bang.
Kế hoạch này đặt ra một số mục tiêu như khôi phục niềm tin của người dân Mỹ, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và giảm thiểu sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 bằng cách bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm, củng cố lực lượng y tế; Mở rộng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân; mở cửa lại trường học, doanh nghiệp và du lịch một cách an toàn; bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch trong tương lai.
Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 trên thế giới. Các mô hình dự đoán của chính phủ cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh có thể xâm nhập vào nước này và làm gia tăng các ổ dịch Covid-19 trong những tháng tới.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới có thêm 13.701 ca nhiễm và 147 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.625.420 và 153.053.
Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.254 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 214.147. Số người nhiễm Covid-19 tăng 57.500 ca trong 24 giờ qua, lên 8.697.368.
Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vắc xin Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua 100 triệu liều vắc xin của Trung Quốc.
Cơ quan quản lý y tế Brazil đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả vắc xin Coronavac và Oxford/AstraZeneca nhưng kế hoạch sản xuất vắc xin trong nước đang bị cản trở do chậm trễ trong khâu nhập khẩu thành phần từ Trung Quốc.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 21.887 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 612 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.655.839 và 67.832.
Hiện đã có khoảng 1,5 triệu công dân đã được tiêm vắc xin, sau khi chiến dịch tiêm chủng đại trà được khởi động từ 18/1.
Nga đã nộp đơn đăng ký xin cấp phép sử dụng Sputnik V tại Liên minh châu Âu và dự kiến được xem xét vào tháng 2. Sputnik V đã được phê duyệt ở Argentina, Belarus, Serbia và một số nước khác.
Đến nay, Anh đã có 3.543.646 ca nhiễm Covid-19, tổng số ca tử vong là 94.580 người - cao nhất châu Âu và cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Hiện Anh có 39.068 người mắc Covid-19 được điều trị tại các bệnh viện. Trong ngày 21/1, nước này có thêm 1.290 ca tử vong.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được công bố tại Anh hồi đầu tháng dường như bắt đầu có hiệu quả, khi số ca nhiễm mới tuần qua giảm khoảng 22%.
Một đợt tiêm chủng trên diện rộng đang được tiến hành tại Anh nhằm đối phó biến chủng SARS-CoV-2 mới. Hơn 4 triệu người đã được tiêm vắc xin Covid-19, trong đó hơn một nửa là người trên 80 tuổi. Tốc độ tiêm chủng dự kiến được đẩy nhanh trong những tuần tới.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.848 ca nhiễm và 346 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.987.965 và 71.998.
Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 390.000 người đã được tiêm chủng.
Chính phủ Pháp từ ngày 16/1 đã áp lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Từ 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.
Bồ Đào Nha đến sáng nay đã có 595.149 ca nhiễm Covid-19 và 9.686 ca tử vong. Với dân số khoảng 10 triệu dân, tốc độ lây nhiễm nhanh chóng đã khiến Bồ Đào Nha trở thành quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới xét trên quy mô dân số.
Theo giới chức y tế Bồ Đào Nha, hệ thống y tế của nước này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và thậm chí có thể dẫn tới bờ vực thảm họa.
Ngày 21/1, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã yêu cầu đóng cửa các trường học trên toàn quốc trong ít nhất 15 ngày trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang phải chật vật đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong 2 tuần nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh. Mặc dù vậy, các trường học không nằm trong diện bị phong toả, do Thủ tướng Costa không muốn "hy sinh thế hệ học sinh hiện nay" dù dịch bệnh bùng phát.