CH Séc và Hungary kêu gọi thành lập lực lượng quân đội chung châu Âu

(VOH) - Lãnh đạo Cộng hòa Séc và Hungary cho biết, Liên minh châu Âu (EU) cần xây dựng một lực lượng quân đội chung để tăng cường khả năng bảo vệ châu lục này trước những thách thức lan rộng trong khu vực và toàn cầu.

Phát biểu trên của lãnh đạo hai nước Trung Âu được đưa ra trước khi có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Anela Merkel tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Hai nhà lãnh đạo này không thích thái độ hoan nghênh những người nhập cư đến từ các quốc gia không phải thành viên EU nhập cảnh vào các nước EU của bà Merkel.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói: "Chúng ta phải ưu tiên xem xét vấn đề về an ninh, do đó chúng ta nên bắt đầu xây dựng một lực lượng quân đội chung châu Âu”.

Chính phủ anh vẫn luôn phản đối mạnh mẽ việc thành lập quân đội chung EU bên ngoài khuôn khổ NATO.

Binh lính Hungary tuần tra xung quanh hàng rào dây thép gai ở khu vực biên giới với Serbia (Ảnh: EPA)

Lãnh đạo Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia đã tự điều phối chính sách ngoại giao của họ trên danh nghĩa của Nhóm Visegrad (V4) mà 4 nước này là thành viên.

Theo Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka, việc thành lập một lực lượng quân đội chung châu Âu là điều không phải dễ nhưng ông kêu gọi nên bắt đầu thảo luận vấn đề này ngay từ bây giờ.

EU hiện có một lực lượng quốc phòng chung gồm 1.500 binh sĩ nhưng lực lượng này chưa từng tham gia chiến đấu.

Năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập một lực lượng quân đội chung châu Âu nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Nga hoặc những khu vực khác.

Sắp tới đây, Slovakia sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh EU không chính thức vào ngày 16/9 nhằm thảo luận về tương lai của EU hậu Brexit. Cuộc họp này sẽ diễn ra trong bối cảnh không có sự tham dự của Vương quốc Anh.

Đức hy vọng các nước thành viên V4 có thể tiếp nhận những người tị nạn đến từ những nơi xảy ra chiến sự, nhất là những người đến từ Syria, Iraq và Eritrea.

Tuy nhiên các nước V4 đều phản đối kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn mang tính bắt buộc của EU.

Năm ngoái, Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư đến từ các nước không phải là thành viên EU trong bối cảnh những người tị nạn ồ ạt đến châu Âu với số lượng đạt mức kỷ lục.

Vào ngày 2/10 tới, Hungary sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn mang tính bắt buộc của EU.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước ông sẽ sử dụng những thiết bị kỹ thuật tiên tiến nhất để xây dựng những hàng rào dây thép gai mới chắc chắn hơn tại khu vực biên giới với Serbia đã bị đóng cửa.

Ông nói, phải tăng cường bảo vệ biên giới đã bị đóng giữa Hungary và Serbia, xây dựng hàng rào bảo vệ lớn hơn và chắc chắn hơn bên cạnh hàng rào hiện có. Hàng rào mới này có thể ngăn chặn cùng lúc hàng trăm ngàn người có ý định vượt rào.

Theo ông Orban, nguyên nhân khiến chủ nghĩa khủng bố xuất hiện tại châu Âu và đang ngày càng mở rộng là vì hàng trăm ngàn người đến từ những nơi vốn xem các nước phương Tây là kẻ thù đã vào châu Âu mà không bị kiểm soát.

Ngày hôm qua 26/8, Thủ tướng Đức Merkel đã tới thủ đô Warsaw của Ba Lan và có cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước V4 về vấn đề người di cư và tương lai của EU hậu Brexit.

Phát biểu sau cuộc họp báo chung với lãnh đạo các nước V4 và Thủ tướng Đức, Thủ tướng Hungary Orban đã đề xuất châu Âu nên coi vấn đề an ninh là một trong những ưu tiên hàng đầu và kêu gọi EU nên bắt đầu thành lập lực lượng quân đội chung châu Âu.