Châu Âu có thể học Hàn Quốc và Nhật Bản để vượt qua khó khăn?

VOH - Ông Trump sắp nhậm chức nhiệm kỳ 2, được dự báo sẽ tạo ra khó khăn về kinh tế thương mại cho châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ba khu vực này có quan hệ chặt chẽ với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Thiếu hụt tài nguyên dẫn tới sự phụ thuộc vào nguồn cung quan trọng từ Trung Quốc, nhất là đất hiếm. Cần Hoa Kỳ về chiếc ô an ninh, khiến các vấn đề về thương mại với Washington dễ bị tổn thương và khó đàm phán hơn.

c_Europe
Châu Âu đang trải qua nhiều biến động - Ảnh: Unplash

Cả 3 đều là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, nên căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao, khả năng làm chậm đầu tư, giảm lợi nhuận và thị trường việc làm không ổn định. Ngoài ra, va chạm giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng tạo sức ép về chính trị. Châu Âu hiểu rất rõ điều này.

Khi ông Trump lên, áp lực tăng mạnh từ phía Hoa Kỳ, một mặt muốn châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, một mặt muốn châu Âu đứng về phía Washington trong cạnh tranh với Trung Quốc.

Sự phụ thuộc hiện nay của châu Âu vào đất nước tỷ dân, như về thị trường và nguồn cung nguyên vật liệu quan trọng, được cho là đến từ các chính sách ngây thơ trong quá khứ. Ví dụ tạo điều kiện để hàng hóa được trợ cấp không giới hạn tiến vào thị trường, khiến các ngành công nghiệp nội địa suy thoái. EU cũng phản ứng rất chậm, khi thấy sự phụ thuộc đang tiến tới mức nguy hiểm.

Hiện nay có thể nói, EU đang tiến thoái lưỡng nan. Muốn giảm khí thải nhà kính, EU phải nhập khẩu hàng giá phải chăng từ Trung Quốc, nhất là pin và pin mặt trời. Sự tụt hậu của EU lớn đến mức, họ muốn doanh nghiệp Trung Quốc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để đổi lấy trợ cấp. Niềm hy vọng lớn nhất của châu Âu trong lĩnh vực pin xe điện, là tập đoàn Northvolt của Thụy Điển. Tuy nhiên do không cạnh tranh được, đã vừa nộp đơn phá sản. Doanh nghiệp pin Trung Quốc đang đẩy mạnh thành lập nhà máy tại EU. Ví dụ mới nhất là liên doanh giữa CATL và Stellantis ở Tây Ban Nha.

Vấn đề thứ 2 là các hãng xe Đức, như Volkswagen, BMW và Mercedez-Benz, cùng với một số thương hiệu xa xỉ của Pháp nhu LVMH, từ trước phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, đã chuyển cơ sở sản xuất sang, nhưng ngày càng gặp rủi ro do quá trình nổi lên của doanh nghiệp bản địa. Bên cạnh đó, thuế quan của Hoa Kỳ và châu Âu áp lên hàng Trung Quốc, sẽ khiến sản phẩm của những hãng này tại Trung Quốc khó xuất khẩu. Sự phản đối của công chúng khi Volkswagen giảm sản xuất tại châu Âu trước kia, chính thức đánh dấu sự khởi đầu quá trình chuyển đổi kinh tế đau thương của nước Đức, mà bây giờ vẫn chưa tìm thấy lời giải. Hiện nay, nhiều bất ổn cũng xảy ra ở Pháp, như thâm hụt ngân sách ước tính 6%, không có chính phủ hoặc không có ngân sách phê duyệt cho năm 2025. Tất cả làm nổi bật điểm yếu về cấu trúc của 2 nền kinh tế lớn nhất khối.

Dẫu vậy nhiều ý kiến cho rằng, tình thế hiện nay cũng mang đến cơ hội cho EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ví dụ đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác với những bên cùng chí hướng nhưng lựa chọn về lĩnh vực ngành nghề (bao gồm cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc).

Một số nhà phân tích nhắc lại hiệp định thương mại tự do EU – Hàn Quốc năm 2011, và hiệp định đối tác kinh tế EU – Nhật Bản năm 2019. Thỏa thuận giúp các bên tăng cường thương mại kỹ thuật số và an ninh kinh tế. Hợp tác này được thắt chặt hơn nữa, khi Nhật – Hàn cải thiện quan hệ, mặc dù việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phủ bóng đen lên quan hệ ngoại giao trong tương lai.

Hợp tác 3 bên này được cho cũng ít nhiều tác động đến những mô hình thương mại toàn cầu. EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, thuộc 6 trong số 15 nền kinh tế, và 4 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Giữa bối cảnh này, một số ít sáng kiến đã mang lại lợi ích. Ví dụ mô hình về Liên minh nguyên liệu thô quan trọng. Ngoài ra, tư cách thành viên của Nhật Bản và Hàn Quốc trong chương trình nghiên cứu đổi mới có nguồn vốn 98 tỷ USD của EU (Horizon), để cùng nghiên cứu AI, điện toán lượng tử và công nghệ quan trọng, cũng gặt hái nhiều thành quả. Điều này thu hút thêm Anh, Canada và New Zealand tham gia đầy đủ hoặc một phần vào dự án.

Nhiều ý kiến cho rằng, viễn cảnh khu vực thương mại thống nhất EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là quá lớn lao và tốn nhiều thời gian đàm phán. Do đó trước mắt nên ưu tiên hợp tác các vấn đề cụ thể. Ví dụ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, hay chống lại sự cạnh tranh bất bình đẳng của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện.

Xét về địa lý, Nhật Bản và Hàn Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thương mại với Trung Quốc. Ba nước duy trì buôn bán và giao lưu nhân dân gần gũi suốt nhiều thế kỷ. Dọc chiều dài lịch sử, dù nhỏ hơn, nhưng ít khi nào 2 nước này bị Trung Quốc lấn át. Kể cả hiện nay trong vấn đề thương mại, đầu tư, du lịch hoặc xuất nhập khẩu.

Ngoài vấn đề trên, với EU, thành tựu của Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa, là bài học lớn. Tương tự là thành công của Nhật trong đảm bảo an ninh kinh tế, phát triển lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao và năng lượng hạt nhân. Sức mạnh công nghệ xe điện của 2 nước, cũng là cơ hội để EU đẩy mạnh hợp tác.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, hợp tác 3 bên khả năng cao chỉ được đẩy mạnh sau năm 2025, tức khi các chính sách của ông Trump đã định hình tương đối rõ ràng. Châu Âu còn bỡ ngỡ trước những khái niệm mới về sự dịch chuyển địa chính trị, cũng như tối đa hóa quyền lực mỗi khu vực. Châu Âu cần thích nghi với 1 thế giới các quan điểm cũ của họ đã bị thay thế, được thúc đẩy bởi cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Có lẽ đã đến lúc, các đối tác châu Á cần chia sẻ, hỗ trợ và hướng dẫn để châu Âu vượt qua khó khăn?

Bình luận