Cụ thể, 27 nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) cùng thống nhất gói ngân sách khổng lồ trị giá 750 tỷ euro (859 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay, khoản tài trợ dành cho giai đoạn hậu Covid-19, dùng để phục hồi nền kinh tế đang lao đao vì đại dịch suốt thời gian qua. Trong đó, những quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên EU chịu tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh sẽ được hưởng chương trình ưu đãi với các khoản hỗ trợ tối đa 390 tỷ euro (gần 450 tỷ USD).
Ngoài ra, các nước cũng đạt được đồng thuận về chương trình ngân sách dài hơn hơn trong vòng 7 năm tới, với giá trị lớn chưa từng thấy lên đến 1,1 ngàn tỷ euro (hơn 1.200 tỷ USD).
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) - Charles Michel vui mừng khi thỏa thuận đã đạt được. Ảnh: BBC
Ban đầu, các nước EU đã không tìm được tiếng nói chung về khoản ngân sách khổng lồ hỗ trợ kinh tế hậu Covid-19. Những nước chủ trương tiết kiệm chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng” (bao gồm Hà Lan, Phần Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch) ban đầu cho rằng, đề xuất ngân sách như trên được coi là có lợi nhất cho Italy và Tây Ban Nha - hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, nhưng luôn bị đánh giá là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất.
Sau 5 ngày đêm làm việc, để tránh cuộc đàm phán thất bại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) đồng thời là chủ tịch hội nghị lần này - ông Charles Michel đã đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận".
Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ euro trong gói 750 tỷ euro hậu Covid-19 (con số này ban đầu đề xuất là 500 tỷ euro và không được ủng hộ) đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm các nước “thắt lung buộc bụng”. Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Ông Michel cho biết đây chính là “thời điểm then chốt” vô cùng quan trọng đối với cả châu Âu.
Tuy nhiên, sự đồng thuận về quỹ phục hồi kinh tế này của các nước EU hiện mới chỉ ở bước đầu, cần được tiếp tục bàn thảo chi tiết hơn giữa các thành viên trong khối về những điều kiện thụ hưởng, quy định pháp lý…và cần được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là một trong những kỳ họp khó khăn và kéo dài nhất trong lịch sử. Ảnh: Reuters
Là một trong hai lãnh đạo (cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel) cố gắng dẫn dắt các cuộc đàm phán đi đến đíchTổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ, nhưng cuối cùng, mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng tích cực. Ông đã phấn khởi đăng trên Twitter của mình: "Ngày lịch sử của châu Âu".
Còn đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà nhấn mạnh trong tình huống đặc biệt đòi hỏi các bên có những nỗ lực đặc biệt để đạt đồng thuận.
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước EU bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước tại Brussel (Bỉ), và được xem là một trong những kỳ họp khó khăn và kéo dài nhất - 5 ngày đêm - kể từ kỷ lục của hội nghị tại thành phố Nice của Pháp từ năm 2000 đến nay. Đây cũng là kỳ họp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các nước EU kể từ tháng 2 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, lan nhanh đến châu Âu và nhanh chóng biến châu lục này trở thành một trong những điểm nóng về dịch bệnh trên toàn cầu.