Châu Âu đối mặt với làn sóng dịch thứ hai

(VOH) - Một loạt quốc gia Châu Âu phải áp dụng các lệnh phong tỏa lần thứ 2, thứ 3 với nỗ lực ngăn chặn làn sóng đại dịch mới ập tới.

Nếu như một tháng trước, người dân châu Âu còn hy vọng được đón một mùa Giáng sinh vui vẻ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã giảm đáng kể, thì thời điểm này, làn sóng thứ 2 của đại dịch đã tràn tới. Tất cả các nước EU hiện đang chứng kiến sự gia tăng mạnh số lượng các ca nhiễm mới cũng như số trường hợp tử vong.

Chỉ riêng trong tuần trước, châu Âu đã ghi nhận thêm 1,3 triệu trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Các trung tâm chăm sóc đặc biệt dường như sắp quá tải, trong khi nhiều nước đã tuyên bố phong tỏa (Lockdown) toàn bộ hoặc từng phần đất nước để ngăn ngừa sự lây lan với tốc độ phi mã của virus SARS-CoV-2.

Khi dịch COVID-19 bùng phát mùa Xuân, nhiều nước đã bị động, trở tay không kịp, đành chọn giải pháp "bế quan tỏa cảng". Các nước lần lượt đóng cửa biên giới, thậm chí phong tỏa việc xuất khẩu hàng hóa, vật tư y tế. Đã có một châu Âu với những thời điểm như vậy, khi những hàng xe chất đầy hàng hóa nằm chờ kéo dài hàng chục km ở biên giới Đức - Ba Lan, hay có những khu vực phải gồng mình đương đầu với dịch bệnh (miền Bắc Italia) mà không thể có được sự hỗ trợ vật tư y tế từ những quốc gia láng giềng.

Với đợt dịch thứ 2, Châu Âu không muốn lặp lại kịch bản này. Đó là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo EU đặt ra trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến nhằm tìm những giải pháp chung và thống nhất cho toàn liên minh để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện nay.

 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã khẳng định như vậy khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU tối 29/10. Mặc dù cuộc họp chỉ kéo dài khoảng 3 giờ, song dường như các nhà lãnh đạo EU đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ chiến lược chung về xét nghiệm và tiêm chủng cho tới ứng dụng cảnh báo COVID-19 trên điện thoại di động hoạt động trên toàn EU.

Theo các nhà lãnh đạo EU, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cần một cách tiếp cận chung trong việc mở rộng và triển khai xét nghiệm nhanh. Bên cạnh đó, khả năng tương tác của các ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ giúp hỗ trợ việc truy vết tiếp xúc, dù hiện tại các nước châu Âu đang có khoảng 20 ứng dụng cảnh báo khác nhau và hiện chỉ có ba nước sử dụng ứng dụng tương thích là Đức, Ireland và Italia. Tuy nhiên, tất cả các ứng dụng này sẽ được tương thích ngay trong tháng 11.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng nhất trí sẽ sử dụng vaccine một cách hiệu quả khi ngay được đưa vào sử dụng, trong đó thống nhất về đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine thời điểm ban đầu. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhằm đi tới thống nhất về một thời gian cách ly hài hòa cũng như nghĩa vụ xét nghiệm đối với khách du lịch ở châu Âu. Ngay cả việc trao đổi thông tin về các giường bệnh chăm sóc đặc biệt cũng được thảo luận và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ huy động khoảng 220 triệu euro cho việc di chuyển bệnh nhân tới những nơi có giường bệnh còn trống.

Từ Berlin, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước hiện là Chủ tịch luân phiên EU, đã kêu gọi các nước thành viên phối hợp hành động, đồng thời cảnh báo hậu quả đối với thị trường nội khối khi các nước đóng cửa biên giới trong làn sóng lây nhiễm thứ hai. Theo quan điểm của Thủ tướng Merkel, việc các nước lại đóng cửa biên giới như trước đây không những tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng hay việc đi lại, mà còn ảnh hưởng tới sự vận hành của nền kinh tế toàn châu lục, với Đức nằm ở trung tâm châu Âu. Do các nước EU ngày càng phụ thuộc vào nhau, nhiều nước đã không còn cơ chế có thể tự cung tự cấp sản xuất những thứ cần thiết, nên việc đóng cửa biên giới có thể gây những hậu quả rất lớn. Một châu Âu liên minh, hay một nước Đức liên bang, đều cần có những hành động phối hợp và thống nhất để có thể cùng chiến đấu chống đại dịch COVID-19.

Chỉ trước đó một ngày, Chính phủ liên bang và các bang ở Đức đã nhất trí cùng triển khai các biện pháp quyết liệt để chống dịch. Đây cũng là lần hiếm hoi, chính quyền trung ương và 16 bang ở Đức cùng nhất trí về các biện pháp chống dịch, khi mà con số lây nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh và luôn ghi nhận mức đỉnh mới, trong khi hầu hết các cơ sở y tế ở Đức đang phải căng mình và nhiều nơi quá tải trong việc truy vết tiếp xúc. Theo Thủ tướng Merkel, đại dịch hiện nay như một phép thử đối với châu Âu về tính hợp pháp và hiệu quả của hệ thống kinh tế-xã hội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, song điều yên tâm là châu Âu đã có chuẩn bị tốt hơn so với khi bắt đầu đại dịch.

Từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU cách đây hai tuần, các nhà lãnh đạo châu Âu dù đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, song kể từ đó, số lượng ca nhiễm mới lại tăng lên đáng kể ở khắp nơi. Việc các nước tự do hành động, với EU, thực sự là mối đe dọa hiện hữu. Nhà ngoại giao kỳ cựu người Italia Stefano Stefanini cho rằng, khi các nước chỉ hành động vì lợi ích riêng, tinh thần đoàn kết ở châu lục sẽ bị lung lay và người dân châu Âu sẽ hoài nghi về sự hiện diện của liên minh này.

Như đánh giá của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, châu Âu đang ở giữa làn sóng lây nhiễm thứ hai, đây sẽ là một "mùa Thu và mùa Đông khó khăn" và sẽ chỉ có thể thấy "ánh sáng cuối đường hầm" vào mùa Hè năm tới. Tất nhiên, mỗi nước châu Âu, với điều kiện và hoàn cảnh riêng, sẽ có những giải pháp khác nhau trong cuộc chiến chống COVID-19, song về tổng thể, EU cần có khuôn khổ và cách tiếp cận chung để có thể đảm bảo sự ổn định của Dự án châu Âu. Có như vậy, châu Âu mới có thể vượt qua bài thử nghiệm khó khăn hiện nay và hoàn thiện hơn trong việc gắn kết, hội nhập châu lục.

Bình luận