Đây được xem là bước ngoặt lớn trong chiến lược an ninh của châu lục giữa bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và áp lực gia tăng từ Mỹ về việc tự chủ quốc phòng.
Quỹ này do Ủy ban châu Âu đề xuất từ tháng 3/2025, sẽ chính thức được công bố vào ngày 21/5 tới.
Theo Reuters, quỹ cho phép các quốc gia thành viên EU và một số nước khác như Ukraine vay vốn từ EU để mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại và tăng cường năng lực phòng vệ thông qua các chương trình mua chung.
Mục tiêu trọng tâm là đẩy nhanh quá trình tái vũ trang và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Đây được xem là bước chuyển quan trọng về tư duy chiến lược của Brussels – từ phụ thuộc phần lớn vào Mỹ trong NATO sang chủ động xây dựng sức mạnh phòng thủ nội khối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều lần chỉ trích châu Âu không “chia sẻ gánh nặng” quốc phòng, đã tạo thêm áp lực để EU tăng chi tiêu quân sự, nhất là trong bối cảnh Washington giảm hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine.
Phát biểu hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Châu Âu đang bước vào một kỷ nguyên tái vũ trang, và đã sẵn sàng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để bảo vệ chính mình”.
Bà cũng cho biết EU có kế hoạch huy động tổng cộng tới 800 tỉ euro từ các cơ chế tài chính đặc biệt nhằm củng cố an ninh khu vực.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 19/5, Phần Lan tuyên bố sẽ sử dụng tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp đạn dược cho Ukraine.
Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết đây là một phần trong sáng kiến của EU nhằm tận dụng tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ Kyiv về quân sự, với giá trị lô đạn dược lên tới hơn 100 triệu USD.
Việc EU thành lập quỹ quốc phòng quy mô lớn, trong khi đồng thời sử dụng tài sản Nga hỗ trợ Ukraine, cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách an ninh – quốc phòng của châu lục: chủ động, thống nhất và hướng tới tự lực – điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.