Chính quyền Donald Trump giải mật hồ sơ vụ Trump-Nga và vụ bê bối email của bà Hillary Clinton

(VOH) - Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI), ông John Ratcliffe ngày 7/10 cho biết văn phòng của ông đã giao nộp hồ sơ dài 1.000 trang cho công tố viên liên bang John Durham.

Hiện ông Durham đang điều tra quá trình điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan tình báo khác liên quan đến cáo buộc Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

Ông Ratcliffe cho biết trong một tuyên bố rằng văn phòng DNI đã giao nộp hồ sơ dài gần 1.000 trang cho Bộ Tư pháp theo yêu cầu của ông Durham.

Ông Ratcliffe nói ông sẽ tiếp tục đảm bảo rằng cộng đồng tình báo sẽ hợp tác với Bộ Tư pháp. Ông cũng ủng hộ Bộ Tư pháp giải mật thêm các hồ sơ dựa trên những phát hiện của mình.

Donald Trump, bầu cử Tổng thống, ngày 8 tháng 10 năm 2020
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe. (Ảnh: Reuters)

Ông Ratcliffe đã nhắc lại câu nói của Tổng thống Trump rằng phải duy trì sự minh bạch đối với người dân để họ tin có thể rằng công việc của nhân viên tình báo chuyên nghiệp sẽ không bao giờ bị chính trị hóa.

Một ngày trước khi Giám đốc DNI công bố thông tin trên, Tổng thống Trump cho biết trên Twitter rằng ông đã ra lệnh giải mã tất cả các hồ sơ liên quan đến mối quan hệ bị cáo buộc của ông với Nga, đồng thời giải mã toàn bộ hồ sơ về vụ bê bối email của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Trên tài khoản Twitter của mình, ông Trump viết: “Tôi đã ra lệnh giải mã tất cả các hồ sơ liên quan đến chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, liên quan đến Nga. Cũng như vụ bê bối email của bà Hillary Clinton”, nhưng ông không đề cập chi tiết tính chất của các hồ sơ này.

Người đứng đầu Nhà Trắng còn nói ông "thật không thể tin rằng những kẻ lừa đảo này vẫn chưa bị truy tố", ám chỉ cựu quan chức FBI có liên quan.

Trước khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố này, ông Ratcliffe đã giải mã hai hồ sơ. Các hồ sơ này đề cập chi tiết những thông tin của Nga mà các cơ quan tình báo Mỹ đã chặn được. Thông tin cho biết rằng bà Hillary Clinton ngày 26/7/2016 đã phê chuẩn một kế hoạch nhằm làm mất uy tín của ông Trump bằng cách liên kết chiến dịch tranh cử của ông ấy với cái gọi là vụ tấn công mạng của Nga nhằm vào Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC)

Dựa vào những hồ sơ này và một bức thư tóm tắt được ông Ratcliffe công bố hồi tuần trước, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lúc đó là ông John Brennan đã đích thân báo cáo kế hoạch này với Tổng thống lúc bấy giờ là ông Barack Obama.

Sau đó vào ngày 7/9/2019, CIA đã chuyển thông tin cho Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lúc đó là ông James Comey và Phó Trợ lý Giám đốc FBI Peter Strzok.

Ông Ratcliffe nói rằng, do những thông tin này đến từ Nga nên chúng ta phải thận trọng với nó vì nó có thể bị phóng đại hoặc cố tình gây hiểu lầm.

Tuy vậy, những thông tin này rất quan trọng để chứng minh rằng ông Brennan quả thật đã từng thông báo sự việc cho ông Obama và Hội đồng An ninh Quốc gia.

Ông Brennan hôm 6/10 cáo buộc ông Ratcliffe giải mật có chọn lọc thông tin này là để trục lợi chính trị.

Thời điểm tiết lộ bà Hillary là người phê duyệt âm mưu bôi nhọ Tổng thống Trump là rất quan trọng, bởi vì 5 ngày sau đó FBI ​​sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về về mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, sau nhiều năm điều tra, cuối cùng công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã khẳng định những cáo buộc cho rằng Tổng thống Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là vô căn cứ.