Chờ...

Chính trường Pháp rúng động: Chính phủ sụp đổ sau bỏ phiếu bất tín nhiệm

VOH - Ngày 4/12, chính trường Pháp chứng kiến một sự kiện lịch sử khi Thủ tướng Michel Barnier trở thành thủ tướng đầu tiên bị lật đổ bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Với 331 phiếu thuận từ các nghị sĩ, vượt qua mức tối thiểu cần thiết là 288 phiếu, chính phủ của ông Barnier chính thức sụp đổ, khiến nước Pháp rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do liên minh các đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) khởi xướng, được tiến hành sau khi ông Barnier quyết định qua mặt Quốc hội để thúc đẩy thông qua dự luật tài trợ an sinh xã hội. Hành động này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các đảng đối lập, dẫn đến lời cảnh báo lật đổ chính phủ.

Chinh phu phap

Ông Michel Barnier (phải, hàng đầu) khi mới được bổ nhiệm, tham dự lễ bàn giao tại Khách sạn Matignon ở Paris, Pháp, vào ngày 5/9 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp, ông Barnier khẳng định không hối hận về quyết định của mình, đồng thời cảnh báo rằng việc phế truất ông sẽ khiến tình hình thêm phức tạp. "Thực tế thâm hụt khổng lồ của Pháp sẽ không biến mất chỉ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm," ông Barnier nhấn mạnh.

Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier sẽ phải nộp đơn từ chức cho Tổng thống Emmanuel Macron, và đơn từ chức sẽ tự động được chấp thuận. Nội các hiện tại sẽ đảm nhiệm vai trò chính phủ lâm thời cho đến khi Tổng thống Macron bổ nhiệm một thủ tướng mới.

Kênh tin tức BFMTV đưa tin, Tổng thống Macron sẽ đề cử một thủ tướng mới trong vòng 24 giờ tới và dự kiến có bài phát biểu trước toàn dân vào cuối ngày 5-12 để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một ứng viên đủ năng lực và sự đồng thuận chính trị trong bối cảnh hiện nay được cho là một thách thức lớn.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không chỉ khiến chính phủ sụp đổ mà còn đẩy nước Pháp vào nguy cơ kết thúc năm mà không có ngân sách cho năm 2025. Tình trạng này có thể làm gia tăng bất ổn kinh tế và tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Bà Marine Le Pen, cựu lãnh đạo đảng cực hữu, tuyên bố cuộc bỏ phiếu này là vì lợi ích của người dân Pháp. "Chúng tôi lựa chọn bảo vệ người Pháp, và đây là giải pháp duy nhất trong tình thế hiện tại," bà phát biểu.

Việc Thủ tướng Barnier bị lật đổ cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội Pháp và phản ánh tình trạng bất ổn chính trị ngày càng gia tăng. Đây cũng là lời cảnh báo đối với các chính phủ thiểu số về sự cần thiết phải hợp tác và lắng nghe ý kiến từ các phe phái khác.

Cuộc khủng hoảng này đặt Tổng thống Macron vào tình thế phải tìm ra một giải pháp nhanh chóng và hiệu quả để ổn định tình hình, đồng thời bảo vệ uy tín của chính quyền trong mắt công chúng. Trong khi đó, người dân Pháp tiếp tục chờ đợi những bước đi tiếp theo để đảm bảo đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 
Bình luận