Ngày 11/12, một quan chức Mỹ giấu tên, dẫn đánh giá tình báo của Mỹ cho biết phía Mỹ nhận định rằng Oreshnik không phải yếu tố thay đổi cục diện trên chiến trường, mà chỉ là “một nỗ lực khác của Nga nhằm gây áp lực lên Ukraine”, và điều này chắc chắn sẽ thất bại.
Quan chức này nói thêm Nga sẽ tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik vào Ukraine “trong những ngày tới”, là động thái đáp trả vụ tập kích của Ukraine rạng sáng 11/12 vào lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết Ukraine đã phóng các tên lửa đạn đạo ATACMS vào sân bay quân sự Taganrog thuộc vùng Rostov. Có tổng cộng 6 quả tên lửa được phóng, 2 trong số đó bị hệ thống phòng không Pantsir bắn rơi, số còn lại "bị phá hủy bằng tác chiến điện tử".
Nga lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro, Ukraine, hôm 21/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đây là hành động phản ứng cho việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo ATACM của Mỹ và tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp tấn công lãnh thổ Nga, sau khi được cho phép.
Tổng thống Putin từng nói Nga có thể sử dụng Oreshnik một lần nữa, trong đó có cả khả năng tấn công vào “các trung tâm đầu não” ở Kiev, nếu Ukraine tiếp tục tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây.
Ông Putin mô tả tên lửa Oreshnik có sức hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được trang bị đầu đạn thông thường.