Reuters dẫn nguồn tin từ Bếp ăn Trung tâm Thế giới (World Central Kitchen - WCK), một tổ chức từ thiện của Mỹ, cho biết đây là chuyến hàng viện trợ thứ hai trong tháng này đến Gaza, sau khi Israel nới lỏng lệnh phong tỏa các tuyến hàng hải ở Dải Gaza để cho phép hàng viện trợ đi qua. Chuyến đầu tiên chở 200 tấn hàng viện trợ đã tới Gaza vào ngày 15/3.
Số hàng viện trợ đợt thứ hai gồm 332 tấn thực phẩm cho người dân Gaza, được vận chuyển bằng một tàu chở hàng và một sà lan cùng sự hỗ trợ của đội tàu cứu hộ, dự kiến sẽ đến cập cảng Gaza sau hành trình dài khoảng 60 giờ đồng hồ - một quan chức CH Cyprus cho biết.
Hành lang viện trợ bằng đường biển này do CH Cyprus và Israel phối hợp thành lập, với sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và một số quốc gia khác. Tại hành lang này, hàng hóa sẽ được kiểm tra ở CH Cyprus trước khi đến thẳng Gaza.
Hai tổ chức từ thiện là WCK của Mỹ và Open Arms của Tây Ban Nha đã phối hợp để thực hiện việc phân phối hàng viện trợ. Từ đầu tháng 3, hai tổ chức này đã xây dựng một cầu cảng tạm thời để tiếp nhận hàng viện trợ.
Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch xây dựng cảng nổi ở Gaza để phục vụ các chuyến hàng viện trợ. Theo Tổng thống CH Cyprus Nikos Christodoulides, cầu cảng này có kế hoạch hoàn thành vào ngày 1/5 tới, nhưng có thể hoạt động từ trước đó vào ngày 15/4.
Liên Hiệp Quốc nhận định, để tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza trên quy mô lớn, việc vận chuyển hàng viện trợ bằng đường biển không thể bù đắp cho thực trạng thiếu hụt do các khó khăn cản trở trên tuyến đường bộ. Do đó, các tuyến đường bộ từ Ai Cập và Jordan vẫn rất quan trọng để kịp thời vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza.
Mặc dù vậy, Liên Hiệp Quốc đánh giá hành lang cứu trợ bằng đường biển sẽ góp phần tăng cường cung cấp hàng hoá cứu trợ cho Gaza, trong bối cảnh một nửa dân số tại đây đối mặt với nạn đói.