Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman phát biểu: “Chúng ta không muốn bất kỳ ai phải chịu đói, cũng không muốn người dân không có tiền trong tay.” Bà cũng cho biết thêm, gói cứu trợ này bao gồm tiền mặt và thực phẩm được phân phát miễn phí đến những người cần sự trợ giúp cấp thiết nhất.
Bên cạnh đó, bà Shitharaman cũng thông tin thêm rằng những người làm việc trong ngành y tế sẽ nhận được khoản bảo hiểm y tế tăng lên đến 66.500 USD.
Nhiều ý kiến cho rằng trị giá của gói cứu trợ này chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ, và điều này có vẻ tương phản với Mỹ và Singapore, khi những nước này chi ra đến 10% tổng GDP dành cho những gói cứu trợ tương tự. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu tiên và trong tương lai Ấn Độ có thể sẽ công bố thêm nhiều gói kích thích kinh tế hay hỗ trợ khác.
Dù là một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng xã hội Ần Độ có sự phân biệt giai cấp và chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố năm 2017, khoảng một nửa dân số dưới 18 tuổi của nước này đang sống dưới mức nghèo khổ. Ảnh: The Wall Street
Mức tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ đã giảm đến 4,7% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nước này có khả năng sẽ bước vào thời kỳ suy thoái, khi đất nước ban bố tình trạng phong tỏa; nhà máy, công xưởng ngừng hoạt động và thu nhập của hàng chục triệu người lao động - cả chính thức và phi chính thức - đều trực tiếp bị ảnh hưởng.
Số lượng người lao động phi chính thức chiếm một tỷ lệ khá lớn trong lực lượng lao động tại Ấn Độ. Họ không được hưởng các trợ cấp và phúc lợi xã hội như khi là lao động chính thức. Việc phong tỏa cả xã hội có thể khiến những người này không có nguồn thu nhập nào khác, và rất nhiểu người trong số họ đã bày tỏ lo sợ rằng họ sẽ “chết đói”.
Tổ chức tài chính Barclays (Anh) báo cáo tổng thiệt hại khi Ấn Độ phong tỏa cả nước sẽ rơi vào khoảng 120 tỷ USD - chiếm đến 4% GDP của nước này.