Toàn bộ chính phủ Nga do ông Dmitry Medvedev đứng đầu đã đệ đơn từ chức sau khi ông Putin thể hiện ý định cải tổ Hiến pháp trong bài phát biểu liên bang ngày 15/1.
Tổng thống Nga Putin (phải) bắt tay với ông Mikhail Mishustin tại Sochi (Nga) năm 2018 - Ảnh: REUTERS
Sau khi toàn thể nội các Nga từ chức, Tổng thống Vladimir Putin nhanh chóng đề cử một gương mặt không mấy quen thuộc trên diễn đàn thế giới là ông Mikhail Mishustin, cục trưởng Cục Thuế Liên bang, làm thủ tướng.
"Mishustin là ứng cử viên xứng đáng cho vị trí thủ tướng. Ông ấy là một chuyên gia lớn, người đã chứng tỏ hiệu quả làm việc trong thực tế", ông Nikolay Zhuravlev, phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), cho biết.
Ông Mishustin cũng được khen ngợi ở cả phương Tây, tờ Financial Times năm ngoái nhận định ông đã tạo ra "tương lai của ngành quản lý thuế" bằng việc xây dựng một hệ thống số hoá thời gian thực, cho phép phát hiện các lỗi và gian lận, đồng thời tăng đáng kể doanh thu cho nhà nước.
Ông Mishustin đã đồng ý nhận chức vụ Thủ tướng. Ứng viên vừa được đề cử cho vị trí thủ tướng Nga sinh năm 1953, có bằng tiến sĩ kinh tế và đã trải qua một sự nghiệp kéo dài trong chính phủ, cũng từng có công việc kinh doanh riêng. Giữ cương vị đứng đầu cơ quan thuế từ năm 2010.
Theo tiểu sử được Tass công bố, ông Mishustin có 3 con trai và công khai minh bạch thu nhập của mình trong năm 2018 là 18,9 triệu rúp (khoảng 309 ngàn USD), thấp hơn con số 47,7 triệu rúp của vợ.
Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời Chủ tịch Duma quốc gia, ông Vyacheslav Volodin xác nhận việc Quốc hội sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn đặc biệt trong ngày hôm nay 16/1 và cho ý kiến về đề cử của ông Putin.
Về lý thuyết, quốc hội Nga có một tuần để phê chuẩn hoặc từ chối ứng viên Thủ tướng. Người được đề cử sẽ phải nêu các ưu tiên trong chương trình nghị sự và trả lời câu hỏi của các nghị sĩ trong vòng ít nhất 30 phút.
Khả năng cao ông Mikhail Mishustin sẽ được phê chuẩn là Thủ tướng mới của Nga, vì Đảng Nước Nga thống nhất ủng hộ ông Putin đang chiếm đa số tại Duma quốc gia Nga.
Trong trường hợp ứng viên đề cử bị từ chối đến 3 lần, Tổng thống có quyền giải tán Hạ viện và tự chỉ định Thủ tướng, theo một phán quyết năm 1998 của Tòa hiến pháp Nga.