Trong phiên xử đầu tiên về bê bối tham nhũng lên đến hàng tỷ USD đối với quỹ Đầu tư Nhà nước Malaysia (1MDB), cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bị tuyên có tội đối với toàn bộ 7 cáo buộc gồm 1 tội danh lạm quyền, 3 tội danh lạm dụng tín nhiệm và 3 tội danh rửa tiền, liên quan đến vụ chiếm đoạt gần 10 triệu USD từ SRC International, một công ty con cũ của Quỹ 1MDB.
Theo đó, ông Najib bị tuyên án 12 năm tù đối với cáo buộc lạm quyền và 10 năm đối với mỗi cáo buộc lạm dụng tín nhiệm và rửa tiền. Ngoài ra, cựu lãnh đạo Malaysia còn chịu mức phạt trị giá gần 50 triệu USD. Theo luật pháp Malaysia, khi các phán quyết được thực thi đồng thời, ông Najib sẽ chỉ chịu mức án cao nhất là 12 năm tù giam và nộp phạt. Nếu không đóng khoản phạt, ông sẽ phải thụ án tù thêm 5 năm.
Cựu thủ tướng Najib Razak bên ngoài tòa án tối cao Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur ngày 28/7/2020. Ảnh: BBC
1MDB là quỹ đầu tư phát triển nhà nước do cựu thủ tướng Najib sáng lập năm 2009. Vụ bê bối liên quan đến 1MDB đã dẫn tới việc khám phá ra một mạng lưới tham nhũng và gian lận có phạm vi toàn cầu. Najib Razak được cho là đã nhận hàng tỷ USD từ quỹ 1MDB trong tài khoản cá nhân, nhằm phục vụ lối sống xa xỉ của ông và vợ Rosmah Mansour. Sau khi hai người bị bắt, cảnh sát khám xét nơi ở của họ và phát hiện vô số hàng hiệu, trang sức với tổng giá trị lên tới 273 triệu USD.
Các nhà điều tra Malaysia và Mỹ cho rằng quỹ 1MDB đã để thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2009 - 2015.
Tổng cộng, Najib phải đối mặt đến 42 cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và rửa tiền trong 5 vụ kiện khác nhau liên quan bê bối 1MDB. Đây được xem là cú sốc đối với toàn bộ hệ thống chính trị Malaysia, dẫn tới việc Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) của ông Najib, vốn đã nắm quyền tại nước này suốt 61 năm kể từ khi Malaysia giành độc lập, bị lật đổ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018.
Sau phiên xử, Najib nói ông sẽ chiến đấu đến cùng, và nói sẽ kháng cáo bất kỳ phán quyết nào nói ông có tội. "Đây là cơ hội để tôi chứng minh mình trong sạch," ông viết trong một tuyên bố trên Facebook.