Đại dịch Covid-19 khiến sự cố máy bay va phải chim tăng mạnh

(VOH) - Các hãng hàng không trên thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro khác do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đó là sự gia tăng đáng kể các vụ va chạm giữa máy bay và chim.

Mặc dù các sự cố như thế hiếm khi xảy ra nhưng chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm ngoái, một chiếc máy bay đã bị cháy động cơ sau khi va phải chim.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một trong những biện pháp phòng chống dịch phổ biến nhất được các quốc gia sử dụng là hạn chế đi lại.

Một chiếc Boeing 737 tại Sudan bị hỏng phần mũi do va chạm với chim khi vừa cất cánh. (Ảnh: Aviation WG)

Một chiếc Boeing 737 tại Sudan bị hỏng phần mũi do va chạm với chim khi vừa cất cánh. (Ảnh: Aviation WG)

Tờ Wall Street Journal ngày 6/2 cho hay các nhà điều hành sân bay, cơ quan an ninh và các nhà sinh vật học động vật hoang dã đều cho rằng sự "yên tĩnh" của các sân bay là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vụ va chạm giữa máy bay và chim trong 2 năm qua.

Do ảnh hưởng của Covid-19, các chuyến bay được đưa vào khai thác tại các sân bay đã giảm mạnh, thậm chí trong một số trường hợp, các sân bay nhỏ phải đóng cửa trong thời gian dài. Điều này đã tạo cơ hội cho các loài chim đến làm tổ trên đầu những chiếc máy bay đang đậu tại sân bay hoặc bên trong động cơ máy bay và trên các thiết bị đang tạm ngưng sử dụng như cầu thang lên máy bay…

Những đàn chim hải âu đã tràn đến Sân bay Rome-Fiumicino ở Italia; những con diều hâu đen là mối nguy hiểm mới đối với các phi công khi họ cất và hạ cánh ở Bangalore, Ấn Độ.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời của Phil Mountain, Giám đốc công ty Birdstrike Management có trụ sở tại Anh cho biết: "Những rủi ro đã gia tăng đáng kể"

Công ty này đã tư vấn cho các hãng hàng không và sân bay về cách giảm thiểu rủi ro do động vật hoang dã gây ra. Giới chức hàng không và các chuyên gia nghiên cứu về động vật hoang dã trên thế giới đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các vụ va chạm trên không trung giữa máy bay và chim.

Theo ghi nhận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), vào tháng 10 năm ngoái, một chuyến bay của Spirit Airlines khi đang cất cánh từ sân bay quốc tế thành phố Atlantic đã bị cháy động cơ sau khi va phải một con chim.

Phi công đã cho dừng máy bay một cách an toàn dù động cơ đang bị cháy, các hành khách sau đó đã được sơ tán. Sự cố này đã khiến cánh quạt của động cơ máy bay bị hư hỏng nặng.

Marta Giordano, một nhà nghiên cứu về các loài chim tại Cơ quan Hàng không Dân dụng Pháp (DGAC), cho biết sân bay là nơi có sức hấp dẫn đối với một số loài động vật hoang dã vì không gian xanh rộng lớn của nó.

Bà Marta Giordano là đồng tác giả của một tài liệu được công bố vào tháng 7/2020 hướng dẫn về cách ứng phó với sự gia tăng các vụ va chạm giữa máy bay và chim tại các sân bay châu Âu.

Bà nói, sự yên tĩnh tại các sân bay khiến nó trở nên hấp dẫn hơn. 

Tại châu Âu, sự gia tăng các vụ va chạm giữa máy bay và chim càng rõ rệt hơn vì lệnh cấm đi lại đối với các chuyến bay xuyên lục địa tại các quốc gia châu Âu nghiêm ngặt hơn nhiều so với Mỹ.

Theo số liệu từ Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA), tỷ lệ các vụ va chạm giữa máy bay và chim ở châu Âu trong quý I năm 2021 tăng 205% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Mỹ, tỷ lệ các vụ va chạm nêu trên đã tăng mạnh trong giai đoạn đầu bùng phát dịch. Theo số liệu mà Wall Street Journal tổng hợp từ FAA, tỷ lệ các vụ va chạm giữa máy bay và chim được ghi nhận tại các sân bay đã tăng 122% trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2020.

Mặc dù các vụ va chạm như thế không nghiêm trọng, nhưng cũng có thể khiến các hãng hàng không phải trả giá đắt. Hầu hết các sự cố này đều cần đến đội ngũ nhân viên bảo trì tiến hành kiểm tra những hư hỏng có thể xảy ra, và điều này có thể khiến chuyến bay bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Bình luận