Chờ...

Đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành các châu lục, hơn 94 triệu ca nhiễm, 2 triệu ca tử vong

(VOH) - Đến 6 giờ sáng nay 17/1, toàn thế giới đã có hơn 94,8 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 2 triệu ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometer.info, trong vòng 24 giờ tính đến 6h ngày 17/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận 611.609 ca nhiễm mới và 12.270 ca tử vong do bệnh COVID-19.

Như vậy, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 94.896.756 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.029.324 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 67.703.134 người, 25.148.962 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.654 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (183.488 ca), Brazil (60.806 ca) và Anh (41.346 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.969 ca), tiếp theo là Anh (1.295 ca) và Brazil (1.005 ca).

Tiêm phòng COVID tại Mumbai, Ấn Độ ngày 16/1. Ảnh: AFP/Getty Images
Tiêm phòng COVID tại Mumbai, Ấn Độ ngày 16/1. Ảnh: AFP/Getty Images

Tính chung đến nay, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Mỹ với 405.089 ca tử vong trong tổng số 24.272.648 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 152.311 ca tử vong trong số 10.558.710 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 209.296 ca tử vong trong số 8.455.059 bệnh nhân.

Bang Sao Paulo của Brazil, bang đông dân nhất và từng là tâm dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này, cho biết đã ban hành các lệnh hạn chế mới ở 8 thành phố cấp bang nhằm chặn đứng xu hướng các ca mắc mới tăng cao liên tục trong những tuần gần đây.

Colombia thông báo kéo dài thời hạn đóng các cửa khẩu đường bộ và đường sông cho tới ngày 1/3 như một phần trong các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Colombia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Đến nay nước này đã ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 47.491 trường hợp tử vong.

Ngày 16/1, Argentina đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể virus phát hiện đầu tiên ở Anh. Bệnh nhân là người Argentina sống ở Anh, có lịch sử đi lại tới Áo và Đức. Ngày 20/12/2020, Argentina đã ngừng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Anh nhằm ngăn chặn lây lan biến thể mới. 

Áo đã quyết định tạm thời đóng hơn 40 cửa khẩu với Séc và Slovakia từ ngày 14/1, do sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 ở cả hai nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Séc và Slovakia là ''cực kỳ căng thẳng'' và việc Áo phải áp dụng các biện pháp trên là nhằm "duy trì trật tự và an ninh công cộng". 

Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trên toàn quốc, sau đợt tiêm đầu tiên cho hàng chục nghìn nhân viên trên tuyến đầu chống dịch.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chủng ngừa cho trên 650.000 người bằng vaccine Sinovac Biotech, do Trung Quốc cung cấp. Chiến dịch tiêm chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu trên khắp 81 tỉnh của nước này kể từ ngày 15/1, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên tuyến đầu.

Algeria tiếp tục mở rộng lệnh phong tỏa từng phần đối với 29 tỉnh thành để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo đó, lệnh phong tỏa được mở rộng từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau đối với 29 tỉnh, thành, đi kèm với nhiều biện pháp ngăn chặn khác để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.

Malaysia ngày 16/1 ghi nhận 4.029 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 155.095 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng lên 594 ca, sau khi có thêm 8 người không qua khỏi. 

Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này có thêm 14.224 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số người mắc bệnh lên 896.642 người. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 283 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 25.767 người. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia. 

Theo Reuters, Indonesia có thể cho phép các công ty tư nhân tự mua vaccine COVID và phân phối cho nhân viên cũng như người dân.

Cảnh sát và các nhân viên chống dịch kiểm tra xe cộ tại một chốt kiểm tra ở quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc 
Cảnh sát và các nhân viên chống dịch kiểm tra xe cộ tại một chốt kiểm tra ở quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh TTO  

Tại Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu những người nhập cảnh phải thực hiện cách ly 28 ngày. Quyết định được đưa ra sau khi Bắc Kinh và các thành phố khác đều xuất hiện các ca bệnh là người nhập cảnh đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày.  

Hàn Quốc quyết định kéo dài thêm 2 tuần thời gian thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 2,5 - mức cao thứ hai trong hệ thống 5 cấp - đối với khu vực thủ đô và áp dụng cấp độ 2 đối với các địa phương còn lại. Tuy nhiên, chính phủ sẽ nới lỏng một số hạn chế kinh doanh đối với quán cà phê, phòng tập thể dục và các cơ sở trong nhà khác.

Chính phủ Azerbaijan ngày 16/1 cho biết nước này sẽ cho phép các quán cà phê và nhà hàng mở cửa trở lại từ ngày 1/2 tới, nhưng sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế còn lại đến tháng 4, đồng nghĩa với việc các trung tâm mua sắm vẫn đóng cửa và dịch vụ tàu điện ngầm ở thủ đô Baku vẫn tạm ngừng hoạt động. 

Ngày 16/1, Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc. Theo CNN, số liệu tính đến 17h30 giờ địa phương cùng ngày, có 165.714 nhân viên y tế đã được tiêm phòng trong ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới này.

Theo kế hoạch, Chính phủ Ấn Độ sẽ ưu tiên tiêm chủng trước cho khoảng 10 triệu nhân viên y tế và khoảng 20 triệu nhân viên tuyến đầu, tiếp đến là những người trên 50 tuổi, những người dưới 50 tuổi có bệnh lý nền.

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.