Phát biểu được đưa ra, nhân kỷ niệm 2 năm xung đột Ukraine.
Ông Zhang nhấn mạnh, cuộc chiến bùng phát ngày 24/2/2022, là thảm kịch lẽ ra có thể tránh được. Tình hình châu Âu phải đối mặt ngày nay có liên quan chặt chẽ đến việc NATO liên tục mở rộng về phía đông, kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Nga coi ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, là một trong những mục tiêu chính dẫn đến hoạt động quân sự. Moscow nhiều lần cảnh báo, họ coi Ukraine gia nhập NATO là mối đe dọa lớn đối với an ninh.
Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết, phải tôn trọng mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia.
Ông nói thêm: “An ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường hay mở rộng một khối quân sự. Chúng tôi khuyến khích NATO tự vấn lương tâm, thoát ra khỏi tư tưởng chiến tranh Lạnh và kiềm chế hành động như một tác nhân xúi giục đối đầu giữa các nước.”
Ông kêu gọi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhìn thế giới qua lăng kính khách quan, ngừng đe dọa và làm những việc thực sự có lợi cho hòa bình thế giới.
Theo ông Zhang, các bên trong cuộc xung đột Ukraine nên nỗ lực hướng tới việc tạo ra điều kiện thuận lợi để nối lại đàm phán, chứ không phải trở ngại khiến hòa bình khó đạt được, như cung cấp vũ khí, châm lửa và đổ dầu.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson hồi đầu tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, phương Tây hứa NATO sẽ không mở rộng về phía đông sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Nhưng họ đã lừa dối Moscow. NATO nhiều lần bổ sung thành viên mới từ các quốc gia Đông Âu và Liên Xô kể từ đó.
Năm 1999, Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan là những quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ đầu tiên gia nhập NATO. Một làn sóng mở rộng thậm chí còn lớn hơn vào năm 2004, khi Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia trở thành thành viên.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, liên minh cho biết, Gruzia và Ukraine sẽ gia nhập trong tương lai, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Nga.
Năm 2009, NATO bổ sung Albania và Croatia vào hàng ngũ. Tiếp theo là Montenegro và Bắc Macedonia vào năm 2017 và 2020.
Quốc gia mới nhất tham gia là Phần Lan, nước gia nhập năm ngoái với lý do lo ngại về an ninh liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Nước láng giềng Thụy Điển cũng sắp được chấp nhận, chỉ còn thiếu cái gật đầu từ Hungary để hoàn tất.