Dân số Trung Quốc giảm sau hơn 60 năm

(VOH) - Năm 2022, dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau hơn 60 năm - làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước với những hệ lụy đáng kể đối với nền kinh tế.

Dân số Trung Quốc năm 2022 vào khoảng 1,411 tỷ người, giảm khoảng 850.000 người so với năm trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố trong cuộc họp báo hôm 17/1.

Các nhà phân tích cho biết, đây là lần giảm dân số đầu tiên kể từ năm 1961 – năm xảy ra nạn đói do chính sách Đại nhảy vọt của quốc gia này.

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với 7,52 ca một năm trước. Khoảng 9,56 triệu trẻ em Trung Quốc được sinh ra trong năm 2022 (so với 10,62 triệu trẻ vào năm 2021).

Xem thêm: Tỷ lệ sinh thấp chưa từng có, Trung Quốc đối mặt với thách thức về nhân khẩu học

dân số trung quốc
Người mua sắm tại một khu chợ ở Đại Lý, Vân Nam vào ngày 14/1. (Ảnh: CNN)

“Dân số có thể sẽ giảm từ đây trong những năm tới. Điều này rất quan trọng, có ý nghĩa đối với tiềm năng tăng trưởng và nhu cầu nhân lực trong nước” - Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế tại Pinpoint Asset Management cho biết.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ có tác động ngày càng lớn đến tăng trưởng trong những năm tới và đây hiện là mối quan tâm chính của các nhà hoạch định chính sách.

Bắc Kinh đã hủy bỏ chính sách “một con” kéo dài nhiều thập kỷ và gây nhiều tranh cãi vào năm 2015, sau khi nhận ra rằng chính sách hạn chế này đã góp phần khiến dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và xã hội của đất nước.

Để ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố vào năm 2015 rằng họ sẽ cho phép các cặp vợ chồng có 2 con. Nhưng sau một thời gian ngắn tăng lên vào năm 2016, tỷ lệ sinh trên toàn quốc đã tiếp tục giảm.

Các nhà hoạch định chính sách tiếp tục nới lỏng các giới hạn về số lần sinh vào năm 2021, cho phép sinh 3 con và tăng cường nỗ lực khuyến khích các gia đình đông con hơn, chẳng hạn như tăng cường thời gian nghỉ thai sản và khấu trừ thuế cùng các đặc quyền khác cho các gia đình sinh thêm con. 

Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa có kết quả trong bối cảnh các chuẩn mực giới tính đang thay đổi, chi phí sinh hoạt và giáo dục cao cũng như sự bất ổn kinh tế đang rình rập.