Theo dữ liệu từ chính quyền địa phương Rapa Nui, Đảo Phục Sinh nhận lượng rác thải nhựa và vi nhựa gấp khoảng 50 lần so với các bờ biển của Chile. Nguyên nhân chủ yếu là do vị trí của đảo nằm trong vòng xoáy Nam Thái Bình Dương, mang rác thải từ Australia, Nam Mỹ và các tàu đánh cá.
Moiko Pakomio, nhà sinh vật học biển tại Rapa Nui cho biết: “Vi nhựa chúng tôi tìm thấy trên bờ biển không phải là của chúng tôi. Phần lớn vi nhựa đến từ các tàu đánh cá thải rác xuống đại dương. Rác thải nhựa đó phân hủy theo dòng chảy và phân hủy cho đến khi trở thành vi nhựa.”
Pakomio cho biết, vi nhựa cũng đã làm ô nhiễm hệ động vật địa phương, bao gồm cả nhím biển, một loài mà cư dân và các loài động vật biển khác đều ăn, làm ô nhiễm toàn bộ chuỗi thức ăn.
Theo ông Pedro Edmunds, thị trưởng Rapa Nui: “Vi nhựa đang gia tăng theo cấp số nhân và điều này thật khủng khiếp. Nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi, đến thực phẩm của chúng tôi, và các loài cá xanh sống trong đại dương mà chúng tôi phụ thuộc để cung cấp protein.
Điều này đã khiến ông Edmunds và nhiều người khác trên đảo phát động một chiến dịch chống lại ô nhiễm nhựa.
Ông Edmunds hy vọng một thỏa thuận sẽ được đạt được tại Hàn Quốc vào tháng 11 để giúp giảm thiểu việc sử dụng các polyme nhựa.
Mặc dù đảo Phục Sinh đang kêu gọi thế giới giảm thiểu rác thải nhựa, ông Edmunds cho biết, họ đã phát hiện ra rằng phần lớn sự ô nhiễm đến từ chính đất nước của họ.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng 58% lượng nhựa mà Rapa Nui nhận được đến từ đất liền Chile. Chính Chile đang gây ô nhiễm các vùng biển của Chile và Rapa Nui.” – ông nói.