Dấu ấn Giang Trạch Dân với thuyết "Ba đại diện" của Trung Quốc

(VOH) - Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân là lãnh đạo hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc. Thời kỳ ông nắm quyền, nước này đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế.

Theo Tân Hoa Xã, ông Giang Trạch Dân đã qua đời tại quê hương Thượng Hải vào trưa ngày 30/11 do bệnh bạch cầu và suy đa tạng.

Ông Giang Trạch Dân thuộc thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Trung Quốc, kéo dài từ năm 1992 đến 2003. Ông giữ chức tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 1989 - 2002  và chức chủ tịch Trung Quốc giai đoạn 1993 - 2003. Ông cũng giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1989 đến năm 2004.

Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời, hưởng thọ 96 tuổi
Ông Giang Trạch Dân trong một buổi họp báo tháng 9/1994 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Thuyết "Ba đại diện"

Thời gian ông Giang nắm quyền được xem là giai đoạn bùng nổ của kinh tế Trung Quốc với học thuyết "Ba đại diện" do ông đề ra. Theo thuyết này, Đảng Cộng sản Trung Quốc là đại diện cho 3 yếu tố gồm phương thức sản xuất tiên tiến nhất, nền văn hóa tiên tiến nhất và quyền lợi của đa số quần chúng nhân dân. 

Trong thời kỳ này, Trung Quốc duy trì được mức tăng trưởng GDP 8% mỗi năm, đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên đầu người cao nhất so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Năm 1993, ông Giang đưa ra thuật ngữ mới “Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” nhằm chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đây là một bước tiến lớn nhằm hiện thực hóa chủ trương “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của ông Đặng Tiểu Bình.

Thuyết "Ba đại diện" đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong vai trò truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà trước đây thường được miêu tả là đội quân tiên phong của giai cấp lao động sang một vai trò mới.

Với học thuyết này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho tất cả các nhóm xã hội, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp - hai đối tượng không xuất hiện theo tư tưởng chính thống.

Kể từ sau Đại Hội Đảng Trung Quốc lần thứ XVI, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân được bầu vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân; từ đó một số lượng lớn các “nhà tư bản mới” trở thành những nhà lãnh đạo ở cấp phường xã và thị trấn.

Ông Giang Trạch Dân là người đã đưa Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2003. Ông cũng thực hiện hàng loạt cải cách, thu hồi Hong Kong và Macau từ Anh và Bồ Đào Nha.

Trung Quốc cũng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn mà trong đó nổi bật là Olympic Bắc Kinh năm 2008 gây ấn tượng với toàn thế giới. Đến nay, Trung Quốc giữ vững vị trí siêu cường thứ hai trên toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời, hưởng thọ 96 tuổi
Ông Giang Trạch Dân (giữa) cùng các lãnh đạo Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 1/10/2019. Ảnh: Reuters

Theo đài truyền hình CCTV, quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh và các tòa nhà chính phủ đã treo cờ rủ. Trụ sở các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài cũng sẽ treo cờ rủ trong thời gian để tang.

Ban tổ chức lễ tang ông Giang Trạch Dân do Chủ tịch Tập Cận Bình làm trưởng ban. Hiện thời gian cụ thể về tang lễ chưa được công bố.

Bình luận