Đậu nành có thể giúp giảm khủng hoảng rác thải nhựa?

(VOH) - Hạt đậu nành vốn quen thuộc với người dân các nước châu Á từ hàng trăm năm nay, giờ đây loại đậu này còn có thể giúp làm giảm lượng rác thải nhựa mà con người thải ra gây hại cho môi trường.

Phần lớn các nước châu Á đều có lịch sử hàng trăm năm sử dụng đậu nành để làm ra các món ăn mang tính truyền thống như đậu hũ, súp miso và sữa đậu nành. Tuy nhiên, giờ đây loại đậu phổ biến này cũng có thể được dùng để thay thế cho các sản phẩm làm từ nhựa.

Ông William Chen, giáo sư ngành khoa học và công nghệ thực phẩm thuộc Đại học Công nghệ Nanyang - một trong những trường đại học hàng đầu Singapore, đã sáng tạo ra các đồ dùng dùng để bọc thức ăn làm từ nhựa sinh học. Các sản phẩm này được phát triển từ một loại cellulose chiết xuất từ các phế phẩm đậu nành bỏ đi trong quá trình sản xuất.

Ông Chen giải thích, hạt đậu nành được xay, ép và vắt hết nước để làm đậu hũ, sữa đậu nành. Những gì còn sót lại của hạt đậu nành sau đó đa số đều bị vứt bỏ. Ông Chen đã thử sử dụng các phần bã này và tiến hành lên men. Trong quá trình lên men, các vi khuẩn được sinh ra đã ăn hết các chất dinh dưỡng và để lại phần cellulose cuối cùng, đây chính là một dạng của chất xơ.

Theo ông Chen, các sản phẩm bọc thức ăn bằng nhựa có nguồn gốc từ cellulose cũng đã xuất hiện trên thị trường vài năm nay, tuy nhiên đa số đều được làm từ gỗ hoặc cây bắp và các loài cây này được trồng dùng cho mục đích sản xuất ra sản phẩm trên. Trái lại, sản phẩm của Chen lại làm hoàn toàn từ chất thải bỏ đi của đậu nành. Điều này theo ông là sẽ mang tính bảo vệ môi trường bền vững hơn và không cạnh tranh quỹ đất với các loại cây trồng khác.

Công nghệ này có thể giúp giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: cắt giảm lượng sản xuất nhựa và giảm thiểu lượng chất thải từ thức ăn phải xử lý. “Tại Singpapore, lượng thức ăn thải ra hàng năm có thể chất đầy 15.000 hồ bơi có kích thước theo chuẩn thi đấu Olympic”, ông Chen nói. Ông cũng cho rằng vì các sản phẩm đậu này khá phổ biến tại Singapore và đảo quốc này thải ra đến 30 tấn bã đậu nành mỗi ngày.

Một doanh nghiệp sản xuất các thức uống từ đậu nành nổi tiếng tại Singapore là F&N đã tiến hành hợp tác với ông Chen. Công ty này đã cung cấp bã đậu nành cho phòng thí nghiệm của Chen; đồng thời cũng giúp đánh giá tính khả thi và cạnh tranh của sản phẩm này một khi tung ra thị trường.

Đậu nành có thể giúp giảm khủng hoảng rác thải nhựa?

Nghiên cứu mới cho thấy nếu biết tận dụng, đậu nành sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Ảnh: CNN

Một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều đối với các sản phẩm nhựa sinh học đó là khả năng phổ biến và mở rộng, vì thường đặc biệt tốn chi phí nhiều hơn nếu so với các sản phẩm nhựa truyền thống có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Thế nhưng, với các sản phẩm bọc thức ăn làm từ đậu nành, theo giáo sư Chen, thì sẽ hầu như không tốn kém thứ gì vì tất cả nguyên liệu thô đều có sẵn và miễn phí. Mặc dù vậy, nếu sản xuất đại trà phục vụ thương mại thì cũng sẽ tiêu tốn một số khoản phí thêm vào, chẳng hạn như phí lưu trữ và quản lý chất lượng, nhưng theo ông Chen, chắc chắn sẽ rẻ hơn khi so với các sản phẩm có nguồn gốc sinh học khác.

Ông Chen cũng tiết lộ, đậu nành không phải là sản phẩm thiên nhiên duy nhất mà ông phát triển thành nhựa sinh học. Ông còn nghiên cứu chế tạo nhựa từ vỏ trái sầu riêng – một loại trái cây nhiệt đới độc đáo phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á. Chỉ tính riêng ở Singapore, mỗi năm người dân nước này cũng đã tiêu thụ đến 12 triệu tấn sầu riêng, do đó số vỏ sầu riêng bỏ đi là một lượng khổng lồ chưa được tận dụng.

Ngoài chi phí thì khả năng phân hủy cũng là một trở ngại khác khi phát triển nhựa sinh học. Nghiên cứu đã cho thấy một số loại nhựa sinh học chỉ bị hư hại khi tiếp xúc với nhiệt độ 50 độ C trong thời gian dài. Do đó, nếu nhựa sinh học không được xử lý trong những cơ sở đặc biệt thì khả năng làm trầm trọng hơn vấn đề rác thải nhựa nói chung là điều hoàn toàn khả thi.

Đối với sản phẩm nhựa từ đậu nành của Chen, ông cho biết chúng sẽ bị vi khuẩn ăn mòn và phân hủy hoàn toàn trong vòng một tháng trong điều kiện rác thải bình thường mà không cần thêm nhiệt độ.

Giáo sư Wiliiam Chen - Giám đốc chương trình phát triển khoa học và công nghệ thực phẩm thuộc đại học Nanyang, Singapore. Ảnh: Channel News Asia

Hiện nay, William Chen không phải là nhà phát minh duy nhất đang tìm cách thay thế nhựa bằng các hợp chất tương đương có khả năng phân hủy mang nguồn gốc thực vật. Trên thế giới đã ghi nhận thương hiệu MarinaTex – một sáng tạo từ các chất thải của cá phát triển thành nhựa và được ứng dụng để làm các túi bánh đựng sandwich. Ngoài ra còn có các sản phẩm khác như đồ trang trí làm từ thực vật, túi và lon đựng nước giải khát làm từ rong biển v…v…

Ông Chen cho biết ông hy vọng các quốc gia yêu thích và có truyền thống sử dụng đậu nành sẽ được Singapore truyền cảm hứng và ứng dụng giải pháp của ông trong vấn đề sản xuất nhựa sinh học. "Công nghệ của chúng tôi có giá thành rẻ và dễ thực hiện. Ước mơ của tôi không gì hơn ngoài việc nghiên cứu của mình sẽ có ích và giúp cắt giảm lượng rác thải nhựa khổng lồ hiện nay, tận dụng được các chất thải bỏ đi sẵn có và tạo nên một môi trường trong sạch hơn trong tương lai”.