Dịch Covid-19: Thế giới có hơn 9 triệu người nhiễm nCoV

(VOH) - 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận hơn 9 triệu ca nhiễm và gần 470.000 người chết do nCoV.

Thế giới ghi nhận 9.032.065 ca nhiễm và 469.527 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 131.832 và 3.412 so với ngày 21/6. Tổng cộng 4.795.420 người đã bình phục.

Dịch Covid-19: Thế giới có hơn 9 triệu người nhiễm nCoV

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho một người dân ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 15/6. Ảnh: AFP.

Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.354.527 ca nhiễm và 122.239 ca tử vong, tăng lần lượt 25.837 và 286 ca trong 24 giờ qua. Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng thấy.

Brazil - vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 17.304 ca nhiễm và 632 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.084.883 và 50.608. Áp lực từ Tổng thống Bolsonaro và sự chán nản của công chúng sau nhiều tháng thực hiện "cách biệt cộng đồng" đã khiến các thống đốc và thị trưởng dỡ bỏ những hạn chế đối với thương mại và hoạt động kinh tế khác. Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo việc nới lỏng hạn chế quá sớm có nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm và gây thêm nhiều tử vong.

Trong khi đó, Peru là vùng dịch lớn thứ bảy thế giới với 254.936 ca nhiễm và 8.054 ca tử vong, tăng lần lượt 3.598 và 184. Các trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa, chỉ cửa hàng bán đồ thiết yếu được hoạt động.

Mexico báo cáo 175.202 ca nhiễm và 20.781 ca tử vong, tăng lần lượt 4.717 và 387. Một số ngành công nghiệp tại nước này đã hoạt động trở lại, trong khi biên giới phía bắc với Mỹ vẫn đóng ít nhất tới ngày 21/7. Giới chức y tế Mexico cảnh báo số ca nhiễm có nguy cơ tiếp tục tăng khi quá trình làm phẳng đường cong dịch đang chững lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 109 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.111. Số ca nhiễm tăng thêm 7.728, lên 584.680. Nga cho biết dù tình hình dịch đã giảm nhiệt, số ca nhiễm mới một ngày giảm dần sau khi lên mức cao kỷ lục 11.656 hôm 11/5, họ vẫn chuẩn bị phương án để đối phó với kịch bản làn sóng lây nhiễm mới bùng lên vào mùa thu.

Anh báo cáo thêm 1.221 ca nhiễm và 43 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 304.331 và 42.632. Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. Quán bar và nhà hàng vẫn đóng cửa nhưng một số trường học đã hoạt động trở lại.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 334 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 293.352 và 28.323. Nước này từ 21/6 chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau 3 tháng áp dụng để chống Covid-19. Họ cũng cho phép người nước ngoài từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không cần cách ly hai tuần. Bồ Đào Nha là ngoại lệ duy nhất khi quyết định tiếp tục đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha tới 1/7.

Italy ghi nhận thêm 224 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 238.499 và 34.634. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng đã mở cửa trở lại, người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 359 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 191.575 và 8.962. Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các quốc gia trong khối EU từ 15/6. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến 29/6. Thủ tướng Angela Merkel cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến tháng 10.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.368 ca nhiễm, nâng tổng số lên 204.952, trong đó 9.623 người chết, tăng 116 trường hợp so với hôm trước. Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa.

Arab Saudi ghi nhận thêm 3.397 ca nhiễm và 37 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 157.612 và 1.267. Nước này bắt đầu chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6 nhưng các cuộc hành hương tôn giáo và tụ tập hơn 50 người trở lên vẫn bị hạn chế. Giới chức có kế hoạch giới hạn số người được phép tham gia lễ hành hương Hajj, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, nhằm tránh virus lây lan.

Tại Nam Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 426.7910 ca nhiễm và 13.703 ca tử vong, tăng lần lượt 15.183 và 426. Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nước này đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6.

Trung Quốc báo cáo 18 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca ở Bắc Kinh, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 83.396, trong đó 4.634 trường hợp tử vong. Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2, với hơn 200 ca nhiễm mới liên quan đến chợ nông sản Tân Phát Địa.

Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 45.891 ca nhiễm, tăng 862 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.465 người chết, tăng 36 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.

Singapore ghi nhận 42.095 ca nhiễm, tăng 262, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và một số cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học tập mở lại.

Việt Nam, Lào, Campuchia Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Thủ tướng Anh: Sẽ sửa đổi luật nếu cần để ngăn chặn khủng bố - Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, Chính phủ Anh sẵn sàng thay đổi hệ thống pháp lý để ngăn chặn khủng bố.
Đức: Hàng trăm người tụ tập, ném gạch đá vào cảnh sát - Một vụ bạo loạn nổ ra đêm 20/6 tại trung tâm thành phố Stuttgart, Đức, hàng trăm người tiệc tùng đã đập phá cửa hàng, tấn công cảnh sát.
Bình luận