Dự án điện mặt trời nổi của Thái Lan trên diện tích khoảng 70 sân bóng đá

(VOH) - Rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời được thả nổi trên mặt nước trên một hồ chứa nước ở miền Đông Bắc Thái Lan.

Hình ảnh này tượng trưng cho hành trình hướng tới năng lượng sạch của nước này, trong nỗ lực tìm kiếm năng lượng không phát thải Carbon vào năm 2050.

Những tấm pin năng lượng mặt trời được trải đều trên mặt hồ có diện tích 720.000 mét vuông, là một công trình 2 trong 1, ban ngày sẽ sản xuất điện bằng ánh nắng mặt trời. Ban đêm sẽ là một nhà máy thủy điện.

Những tấm pin năng lượng mặt trời được thả nổi trên mặt hồ thủy điện
Những tấm pin năng lượng mặt trời được thả nổi trên mặt hồ thủy điện

Nhà chức trách Thái Lan cho biết “Nông trường từ những tấm pin năng lượng mặt trời nổi là một dự án hàng đầu của thế giới”. Dự án Đập Sirindhorn miền Đông Bắc tỉnh Ubon Ratchathani là dự án đầu tiên trong số 15 dự án như vậy sẽ được xây dựng cho đến năm 2037.

Thái Lan đang rất nỗ lực không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26 ở Glasgow năm ngoái, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã đặt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 và không phát thải khí nhà kính vào năm 2065.

Nông trường đập phát điện Sirindhorn bắt đầu hoạt động vào tháng 10 năm ngoái, với hơn 144.000 tấm pin năng lượng mặt trời, được trải trên một diện tích tương đương với khoảng 70 sân bóng đá và tạo ra 45 megawatt (MW) điện.

Chúng tôi có thể khẳng định rằng, với công suất 45 MW, cùng với hệ thống thủy điện và hệ thống quản lý năng lượng mặt trời thì đây là dự án đầu tiên và lớn nhất thế giới”, ông Prasertsak Cherng Kawano, Phó Thống đốc Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT) cho hay.

Dự án 2 trong 1 này với mục đích giảm thải khí Carbon dioxide khoảng 47.000 tấn mỗi năm và hỗ trợ Thái Lan thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo 30% vào năm 2037- EGAT cho hay.

Nhưng để đạt được những mục tiêu nêu trên, đòi hỏi phải có những cải tiến đáng kể trong việc sản xuất năng lượng. Thái Lan hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, với 55% từ khí đốt tự nhiên tính đến tháng 10 năm ngoái, so với 11% từ năng lượng tái tạo.