Dự báo giá ngũ cốc toàn cầu tăng 10 - 15% do tạm ngừng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen

VOH - Ngày 25/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, việc tạm ngừng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen có thể khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng 10 - 15%.

Phát biểu với truyền thông quốc tế, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhấn mạnh, Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen là công cụ rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung ngũ cốc dồi dào từ Ukraine, qua đó giảm bớt áp lực về giá lương thực, do vậy, việc tạm ngừng thỏa thuận sẽ gây áp lực tăng giá trên bình diện toàn cầu.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo sẵn sàng xuất khẩu hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine thông qua "các tuyến đường đoàn kết" - bao gồm các kết nối giao thông đường sắt và đường bộ qua các quốc gia thành viên EU có biên giới với Ukraine.

Khi thỏa thuận ngũ cốc còn hiệu lực, khoảng 60% hàng hóa xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển qua "các tuyến đường đoàn kết" và 40% đi qua Biển Đen.

Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen
IMF dự báo, giá ngũ cốc toàn cầu tăng 10 - 15% do tạm ngừng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen - Ảnh: RT

Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, vốn cho phép Ukraine xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm bằng đường biển, là một yếu tố quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Tuần trước, IMF từng cảnh báo việc tạm ngừng thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến các khu vực phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, bao gồm Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.

Ngày 25/7, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Ozerov cho biết, Moscow và các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi (từ ngày 27-29/7) sẽ thảo luận về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Theo Đại sứ Ozerov, tại hội nghị này, Nga sẽ thông báo một giải pháp thay thế cho Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo an ninh lương thực của châu lục này.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022 do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để mở đường cho Kiev nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Liên Hợp Quốc cam kết vận động phương Tây dỡ bỏ rào cản để Nga cũng được xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Ngày 17/7 vừa qua, Nga đã rút khỏi thỏa thuận, với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này đã không được thực hiện đầy đủ.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đóng cửa hành lang ngũ cốc ở biển Đen từ 0h sáng 20/7 và "toàn bộ tàu bè hướng đến các cảng của Ukraine ở biển Đen được coi là phương tiện có thể chuyên chở hàng quân sự".

Bình luận