Dù kinh tế khủng hoảng trầm trọng, Liban vẫn chưa bầu được nhà lãnh đạo đất nước

(VOH) - Ngày 8/12, Quốc hội Liban đã lần thứ 9 không bầu được tổng thống mới, bất chấp thiệt hại mà tình trạng bế tắc chính trị đang gây ra đối với những nỗ lực nhằm cứu vãn nền kinh tế khủng hoảng.

Tình trạng chia rẽ trong Quốc hội Liban xảy ra giữa một bên là nhóm những người ủng hộ phong trào Hezbollah với một bên là nhóm những người phản đối phong trào này. Cả 2 nhóm đều không có thế đa số rõ ràng để tự quyết định kết quả bỏ phiếu.

Trong cuộc bỏ phiểu lần này, chỉ có 105 nghị sĩ trong tổng số 128 nghị sĩ quốc hội tham gia, song nhiều người đã khiến các lá phiếu của họ trở nên không hợp lệ.

Đại diện phe phản đối phong trào Hezbollah, ứng cử viên Michel Moawad, giành được 39 phiếu ủng hộ, nhưng vẫn chưa đạt đủ đa số phiếu cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri một lần nữa kêu gọi các nghị sĩ đối thoại nhằm tìm ra một ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của các bên, qua đó giúp tháo gỡ tiến trình bế tắc kéo dài nhiều tháng qua.

Theo kế hoạch, Quốc hội Liban sẽ nhóm họp lần thứ 10 để bầu tổng thống vào ngày 15/12 tới.

quốc hội liban
Các nghị sĩ tại phiên bỏ phiếu bầu Tổng thống của Quốc hội Liban ở Beirut (Ảnh: AFP)

Liban đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và chưa thể thành lập được chính phủ mới gần 7 tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Nước này đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức ba con số trong tháng thứ 25 liên tiếp. Lạm phát tại Liban trong tháng 7/2022 đã ở mức 168% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,4% so với tháng 6/2022.

Nền kinh tế Liban đã sụp đổ sau khi nước này không thể thanh toán được khoản trái phiếu Eurobonds đến kỳ hạn trị giá khoảng 31 tỷ USD vào tháng 3/2020. Giá trị đồng nội tệ của Liban giảm hơn 90% so với đồng USD trên thị trường chợ đen. Trong khi đó, nợ công của Liban trong năm 2021 đã tăng lên hơn 100 tỷ USD.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn từ năm 2019-2021, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD vào năm 2021.

Theo WB, Liban có tỷ lệ nợ trên GDP cao thứ tư thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này là một trong ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ giữa thế kỷ 19.

Việc các chính trị gia tại Liban không đạt được đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Điều đó có thể làm trì hoãn chương trình cứu trợ trị giá 3 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho quốc gia Trung Đông này.