Mumbai – một trong những thành phố lớn nhất Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm sử dụng túi nhựa, ly nhựa hoặc chai nhựa (sử dụng 1 lần) với mức phạt tiền lên tới 5.000 rupee đối với người phạm tội lần đầu, 25.000 rupee cho người vi phạm nhiều lần (276 bảng) hoặc 3 tháng tù cho người bị phát hiện sử dụng túi nilon liên tục.
Theo The Guardian, hình phạt này đã bắt đầu được áp dụng cho các doanh nghiệp và một số báo cáo cho thấy McDonald và Starbucks đã bị phạt.
>>> Rộ xu hướng sử dụng “ống hút tre” “ống hút cỏ bàng”
Một người đàn ông giới thiệu chiếc túi vải bố tại một cuộc triển lãm ở Mumbai nhằm kêu gọi người dân sử dụng thay cho túi nilon (Ảnh: EPA)
Kamlash Mohan Chaudhary, một cư dân Mumbai cho hay: "Đối với tình hình ô nhiễm thì quy định này là tốt, nhưng đối với người dân đây lại là một vấn đề lớn bởi mọi người đều mang theo tất cả mọi thứ trong túi nhựa".
Chaudhary, một tài xế taxi cho biết, anh đã bắt đầu dùng túi vải để đựng đồ và một cửa hàng bán thịt cừu mà anh biết đã chuyển qua dùng giấy báo để gói thịt chứ không phải là túi nhựa như trước.
Trẻ em chơi đùa giữa vô vàn rác thải nhựa tại bờ biển Mahim ở Mumbai. (Ảnh: EPA)
Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Ấn Độ tập trung vào việc tuyên truyền về mối nguy hại của chất thải nhựa. Khoảng 6,3 tỷ tấn rác nhựa trên toàn thế giới đã được thải vào môi trường từ năm 1950, hầu hết trong số đó không phân hủy trong ít nhất 450 năm.
Một nửa số rác thải nhựa của thế giới đã được tạo ra trong 13 năm qua và khoảng một nửa trong số đó được cho là các sản phẩm được sử dụng một lần rồi vứt bỏ, chẳng hạn như túi nilon, ly hoặc ống hút.
Ấn Độ có tỷ lệ sử dụng túi nhựa cao nhất trên thế giới, theo một nghiên cứu năm 2015. Những chiếc bao bì nhựa, ly và túi nhựa nằm rải rác là cảnh tượng phổ biến trên đường phố, bãi biển Ấn Độ và tạo nên các bãi rác cao như núi.
>>> ILO kêu gọi hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần