EU tăng cường rà soát các thương vụ mua lại của doanh nghiệp Trung Quốc

(VOH) - Một một nghiên cứu mới của công ty tư vấn Hà Lan "Datenna BV" cho thấy, trong thập kỷ vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã tham gia sâu vào làn sóng mua lại của các công ty Trung Quốc tại châu Âu.

Tờ Wall Street Journal cho biết, theo kết quả khảo sát của Datenna, có khoảng 40% trong số 650 thương vụ đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu từ năm 2010 đến nay là do các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty cổ phần do nhà nước kiểm soát tham gia ở mức độ vừa hoặc sâu, bao gồm các vụ đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ cao.

Datenna phát hiện ra rằng sự ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc trong nhiều vụ mua lại và sáp nhập ở châu Âu thường ẩn núp dưới các lớp vỏ bọc như chủ sở hữu, cơ cấu sở hữu phức tạp và các giao dịch thông qua các công ty con ở châu Âu.

Từ mức độ tham gia của chính phủ Trung Quốc, có thể thấy chính phủ các nước châu Âu đang thiếu một hệ thống có thể hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả như Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) của Mỹ. CFIUS có thể chặn các thương vụ mua lại tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.

công ty Trung Quốc
Tập đoàn sản xuất thiết bị hàng đầu Trung Quốc tên Midea Group mua công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức KUKA

Quan chức các nước châu Âu ngày càng lo lắng rằng các thương vụ mua lại của các doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Âu sẽ khiến các công ty châu Âu phải chịu những ảnh hưởng không mong muốn của nước ngoài, làm mất đi những sáng kiến đổi mới quan trọng và làm xói mòn các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Để khắc phục lỗ hổng này, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành quy định mới có hiệu lực từ ngày 11/10, theo đó thiết lập hệ thống rà soát việc đầu tư của nước ngoài tại các nước châu Âu, và Trung Quốc là mục tiêu nhắm đến đầu tiên của quy định mới này.

Các quan chức EU cũng gây áp lực với các nước thành viên nhằm đảm bảo rằng các công ty của họ sẽ không bị bán tháo trong thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các nhà phê bình cho biết tình trạng này từng xảy ra trong thời kỳ cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khu vực đồng euro cách đây 10 năm.

Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Trung Quốc ở mọi cấp bậc, mang lại sự ảnh hưởng lớn cho chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

Chính phủ và lãnh đạo các công ty tại các nước phương Tây từ lâu đã cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi thâu tóm và chống cạnh tranh.

Những hành vi này thường được sự hỗ trợ bởi nguồn tài chính ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc và làm phá vỡ sự cạnh tranh bình thường trong các ngành nghề từ thép đến tấm pin năng lượng mặt trời…

Đầu tư của Trung Quốc là "hố đen dữ liệu", châu Âu đang trở nên cảnh giác hơn

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mong muốn có được các công nghệ tiên tiến như các nước phương Tây như hiện nay, các nước buộc phải có những cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Sự thèm khát của chính phủ Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến của nước ngoài đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc đang chi tiền mua các công nghệ độc quyền của châu Âu rồi dùng nó để qua mặt các công ty châu Âu.

Trước sự gia tăng kiểm soát của chính phủ Trung Quốc về mặt kinh tế và xã hội, việc phân biệt ảnh hưởng của chính phủ đối với các công ty Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 9, Tòa Kiểm toán Châu Âu (ECA) cho biết các thông tin chính thức về đầu tư trực tiếp của chính phủ Trung Quốc thường "không kịp thời… bị phân tán và không đầy đủ".

Bà Annemie Turtelboom, thành viên của ECA nhận định rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc là "hố đen dữ liệu".

Một báo cáo về đầu tư trực tiếp nước ngoài được EU công bố hồi năm ngoái cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thực hiện 57 vụ mua lại trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2017.

Trong khoảng thời gian này, Datenna đã phát hiện 160 thương vụ được cho là có sự ảnh hưởng đáng kể của chính phủ Trung Quốc và 100 thương vụ có sự ảnh hưởng ở mức vừa phải của chính phủ Trung Quốc. Một phát ngôn viên cho biết EU hiện đang cập nhật báo cáo phân tích của mình.

Tờ Wall Street Journal cho biết, các nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh mới đây đã có quyền ngăn chặn các vụ giao dịch.

Bà Alicia García-Herrero, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ngân hàng Pháp Natixis cho rằng sự thu hút của Châu Âu đối với Trung Quốc nằm ở công nghệ cũng như cơ chế sàng lọc đầu tư của châu Âu khá lỏng lẻo so với các nền kinh tế phát triển khác.

Giám đốc điều hành của Datenna là Jaap van Etten nói rằng chính phủ Trung Quốc cũng đã tham gia vào nhiều thương vụ mua lại quy mô nhỏ. Những vụ mua lại này nhắm đến các công nghệ tiên tiến mà  chính phủ Trung Quốc cần đến để thực hiện mục tiêu độc lập về kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng khó có được các sản phẩm vi mạch và các mặt hàng công nghệ cao khác.

Jaap van Etten cho biết, công ty Anteryon Optical Solutions ở Hà Lan là một công ty riêng biệt của Philips Electronics, chuyên sản xuất máy ảnh và các thiết bị kỹ thuật số cho robot.

Một công ty con của công ty China Wafer Level CSP đã mua lại 73% cổ phần của công ty Anteryon vào năm ngoái với giá 32 triệu euro (tương đương 37 triệu USD).

Datanna kết luận rằng bên mua có được quyền kiểm soát thông qua nhiều lớp cổ đông liên kết với nhau và những cổ đông này có liên quan đến các thực thể của chính phủ Trung Quốc.

Năm 2016, tập đoàn sản xuất thiết bị hàng đầu Trung Quốc Midea Group đã mua lại nhiều cổ phần của công ty sản xuất robot khổng lồ của Đức KUKA.

Vụ mua bán này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nội bộ chính quyền Đức. Họ lo ngại rằng những bí quyết công nghệ quý giá của KUKA sẽ được chuyển giao cho chính phủ Trung Quốc sau vụ mua lại này.

Sau 2 năm mua lại KUKA, tập đoàn Midea đã tăng quyền kiểm soát đối với cấp quản lý của KUKA. Tin từ nội bộ công ty KUKA cho biết, Midea có ý định tăng thêm quyền phát ngôn của mình. Midea còn cho người thay thế Giám đốc điều hành người Đức Till Reuter.

Ban đầu, Midea thông báo cử 2 người vào hội đồng quản trị. Sau đó, trong hội đồng quản trị gồm 6 thành viên, có đến 4 người là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, những thay đổi chiến lược của công ty đã khiến nhiều nhân tài giỏi từ bỏ công ty.

Thương vụ mua lại của Midea đã khiến Đức và EU càng nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải tăng cường rà soát các thương vụ mua lại của nước ngoài. 

Xem thêm:

Bình luận